Toàn bộ diện tích tham gia xây dựng cánh đồng đều sử dụng giống lúa xác nhận, ứng dụng quy trình thâm canh "3 giảm, 3 tăng", quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM... đã giúp cho nông dân tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật thích hợp, tiên tiến để thay đổi tập quán sử dụng lúa thương phẩm làm giống, gieo sạ dày, bón phân chưa cân đối, nhất là bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng phương pháp… Từ đó, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao thu nhập.

Kết quả ghi nhận nông hộ sản xuất trong cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” đã giảm lượng giống gieo sạ từ 20-50 kg/ha, lượng phân đạm giảm từ 25-50 kg/ha, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 620.000-870.000 đồng/ha. Lợi nhuận từ cánh đồng tăng hơn so với sản xuất đại trà từ 1.606.000 - 2.046.000 đồng/ha.

Việc thực hiện cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” đã giúp cho người trồng lúa mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác cải tiến là định hướng phát triển lâu dài và bền vững, rất cần thiết phổ biến áp dụng rộng rãi hơn nữa trong thời gian tới ở huyện Đức Hoà./.

Phạm Duy Thương

Trạm Khuyến nông huyện Đức Hòa, Long An