Năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất lợi, đặc biệt là sự biến động giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao, giá nông sản, vật nuôi giảm, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhưng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Ở lĩnh vực trồng trọt, nổi bật là các mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa tại hai xã Tịnh Minh và Tịnh Phong. Theo đó, vụ Hè Thu 2020, bà con nông dân của hai xã đã được hướng dẫn canh tác giống lúa mới: TBR97, TBR87, BC15 kháng đạo ôn, Hà Phát 3 và TBR225.

Tại đồng đất thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai với 3 giống lúa TBR97, TBR87 và BC15 kháng đạo ôn đã được nông dân trực tiếp sản xuất đánh giá cao. Các giống lúa đều cho năng suất vượt trội so với các giống lúa đại trà từ 5 - 6 tạ/ha. Trong đó, năng suất giống TBR87 đạt 69 tạ/ha, năng suất các giống BC15 kháng đạo ôn và giống TBR97 đạt từ 70 - 74 tạ/ha. Đặc biệt các giống lúa trong mô hình hầu như không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Với kết quả thu được, những giống lúa này đã chiếm được cảm tình của những người nông dân nơi đây.

Giống lúa BC15 kháng đạo ôn tại mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở xã Tịnh Minh

 

Còn tại cánh đồng Rộc Nhì, thôn Trường Thọ, xã Tịnh Phong, được triển khai thực hiện 20 ha giống TBR225, năng suất đạt trên 65 tạ/ha, cao hơn lúa sản xuất ngoài đại trà trong cùng điều kiện sinh thái về thổ nhưỡng 6 tạ/ha.

Năm 2020, bà con nông dân xứ đồng Gò Phím, thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà cũng rất phấn khởi khi tham gia mô hình áp dụng giải pháp cấp bách quản lý phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây ra. Mô hình được triển khai trên diện tích 3 ha, với 33 hộ tham gia trồng giống sắn KM94, lượng giống trồng 14.000 hom/ha (700 hom/sào). Tổng kinh phí thực hiện trên 1 ha là trên 25,6 triệu đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50%, nông dân đầu tư 50%. Bà con được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bón phân, bón phân lót, xử lý hom giống, bón phân thúc, chăm sóc. Nhờ khâu chọn giống tốt, xử lý hom giống bằng thuốc trừ nấm trước khi trồng, phòng trừ tốt môi giới truyền bệnh nên đã hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh virus khảm lá sắn. Tỷ lệ bệnh gây hại trung bình chỉ 0,1-0,2%. Cây sắn sinh trưởng phát triển tốt, cho củ nhiều, độ bột cao, phù hợp với chất lượng nông sản. Năng suất đạt ruộng mô hình đạt 35,98 tấn/ha, cao hơn ruộng nông dân trên 5,92 tấn. Tổng doanh thu trên 1 ha ruộng sắn của mô hình đạt trên 53,9 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận trên 19,2 triệu đồng. Chu kỳ sinh trưởng của cây sắn trung bình từ 10-12 tháng, như vậy, lợi nhuận trong 1 chu kỳ của cây sắn đạt trên 19,2 triệu đồng/ha, tương ứng trên 964 nghìn đồng/sào. So với ruộng đại trà trong cùng điều kiện tăng hơn 4,9 triệu đồng/ha, tương đương 248 ngàn đồng/ sào. Mô hình góp phần ổn định diện tích sản xuất sắn trên địa bàn huyện, giúp bà con nông dân mạnh dạn áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất sắn trên nhiều chân đất, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích sản xuất sắn.

Giống sắn KM94 có hiệu quả cao từ mô hình áp dụng giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây ra tại xã Tịnh Hà

 

Bên cạnh hai mô hình trên, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện còn triển khai hướng dẫn bà con thực hiện nhiều mô hình, dự án có triển vọng cao như mô hình trồng hỗn giao bưởi da xanh với sầu riêng hạt lép, mô hình chăn nuôi dúi sinh sản, nuôi cá chình trong lồng, dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi...

Những kết quả của các mô hình, dự án khuyến nông trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống có năng suất, chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của từng địa phương.

Sắc xuân rạng ngời trên từng cánh đồng vàng, từng mái nhà khang trang, no ấm và từng gương mặt hạnh phúc của mỗi người dân Sơn Tịnh. Mặc dù, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do giá cả, dịch bệnh, nhưng những người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ở huyện đã nhận thức rõ ràng họ có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính những cánh đồng quê hương, bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Vì vậy, giải pháp về phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang khẳng định vai trò quan trọng và quyết định mở ra cánh cửa thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Sơn Tịnh. Để không chỉ mùa xuân năm nay, mùa xuân năm sau và cả những năm sau nữa, quê hương Sơn Tịnh cũng sẽ có những mùa xuân rạng ngời trên từng cánh đồng, từng làng quê.

Thu Phượng - Kim Cúc