Nuôi lợn trên đệm lót sinh học tại hộ ông Lê Hoàng (phường Thủy Phương, huyện Hương Thủy)

Mô hình được thực hiện tại 4 hộ với quy mô 7 con/hộ. Sau 5 tháng triển khai, mô hình đã đặt được một số kết quả. Khả năng tăng trọng và tiêu tốn thức ăn của lợn sau 100 ngày nuôi: lợn tăng trọng bình quân 780g/ngày (23,5kg/tháng); tiêu tốn thức ăn bình quân 2,61 kg TĂ/kg tăng trọng. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 100 kg/con. Lợn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, không có bệnh tật nghiêm trọng, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%.

Mặc dù trong điều kiện thời tiết mùa hè khá nóng 36-370C, nhiệt độ đệm lót ở độ sâu 20cm cao hơn nhiệt độ trên nền bê tông từ 2-30C nhưng lợn vẫn tăng trọng tốt nhờ sử dụng các giải pháp chống nóng như: chuồng trại thông thoáng, có phần nền bê tông để lợn nằm khi nóng, bắt vòi phun sương và quạt để làm mát cho lợn. Khả năng tăng trọng của lợn trong mùa hè tương đương với tăng trọng của lợn mô hình trong mùa đông năm 2015-2016.

Đánh giá hiệu quả kinh tế, cho thấy mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học giúp tiết kiệm công dọn chuồng và chăm sóc nuôi dưỡng: Nuôi lợn chuồng bê tông phải dọn chuồng 2 lần ngày, nuôi đệm lót chỉ xới đệm 1 lần/ngày, mặc khác bố trí máng ăn và vòi uống tự động nên tiết kiệm công chăm sóc nuôi dưỡng, ước tính lợi được 3 công lao động/100 ngày nuôi, tương ứng 300.000đồng. Chi phí làm đệm lót ban đầu/hộ nuôi là 600.000đ. Số tiền chi phí làm đệm lót tương ứng với giá trị thu được phân sạch để bón cho cây trồng. Thu nhập bình quân/con lợn nuôi trên đệm lót của mô hình tại thời điểm xuất chuồng hiện nay đạt: 735.000đ/con (bình quân mỗi hộ tham gia mô hình có thu nhập hơn 5 triệu đồng).

Toàn bộ phân và nước tiểu lơn thải ra hàng ngày được lên men phân hủy trong đệm lót vì vậy không có mùi hôi. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuồng nuôi hầu như không có ruồi, muỗi  nên hạn chế lây truyền bệnh cho con người cũng như vật nuôi. Bước đầu mô hình đã được nhân rộng ra thêm 1 hộ trên địa bàn phường.

Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường rất thiết thực, cần có một chương trình hỗ trợ cho nông dân áp dụng đại trà nhằm phát triển chăn nuôi bền vững và an toàn sinh học, góp phần xây dựng thành công tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Nguyễn Bình

Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế