Tại huyện Tân Phước, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cùng Chi cục BVTV kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước và Trạm Trồng trọt & BVTV huyện thực hiện mô hình cộng đồng công nghệ sinh thái trong vụ Đông Xuân 2011- 2012, tại ấp Tân Vinh, xã Tân hòa Thành , huyện Tân Phước, trên diện tích 20 ha với 49 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 15.000 cây hoa giống là sao nhái, cúc mặt trời, xuyến chi. Được biết đây là mô hình điểm cho một xã nông thôn mới của huyện Tân Phước. Vụ Đông Xuân 2014- 2015, Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước tiếp tục thực hiện mô hình cho 40 ha lúa tại xã Phước Lập và Phú Mỹ, với 400 cây hoa sao nhái cung cấp cho bà con trồng trên bờ ruộng trước khi sạ lúa và áp dụng theo 1 phải 5 giảm. Tại hội thảo đầu bờ cho thấy, năng suất lúa trung bình 7,2 tấn/ha, nông dân giảm 20% phân đạm urê và giảm 3 lần phun thuốc trừ sâu, rầy/vụ. Từ thành công của mô hình trong những năm trước, tiếp tục năm 2016, Trạm Trồng trọt & BVTV Tân Phước hỗ trợ trồng hoa cho 20 ha lúa nếp IR4625, tại ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành, với 30 hộ tham gia.

Ông Đoàn Trung Trực bên ruộng lúa bờ hoa của gia đình

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân đã hưởng ứng và nhiệt tình làm theo, trong đó có hộ ông Đoàn Trung Trực, sinh năm 1951, tại ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành. Gia đình ông đã thực hiện từ vụ Đông xuân 2015- 2016 đến nay trên diện tích canh tác 6.000 m2. Cụ thể năm 2017, ông gieo sạ 3 vụ/năm, áp dụng sạ thưa 12 kg nếp IR4625/công, tính ra chi phí đầu tư suốt vụ về giống, phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch chỉ tốn 1,3 triệu đồng/công; năng suất trung bình vụ Hè thu 2017 đạt 600 kg/công, vụ Thu đông 2017 đạt  650 kg/công; đặc biệt trà lúa Đông xuân 2017- 2018, trên diện tích 6 công lúa ông Trực không hề phun thuốc trừ sâu rầy nhưng năng suất vẫn đạt 900 kg/công, cho lãi mỗi công ruộng từ 2,8 - 3,2 triệu đồng. Hiện tại, ông Đoàn Trung Trực vẫn duy trì hoa trên đồng ruộng như hoa sao nháy và xuyến chi.

Nhìn chung, vẫn còn một số nông dân chưa biết rõ vai trò của thiên dịch trong việc giữ cân bằng sinh thái ruộng lúa nên vẫn còn dựa nhiều vào thuốc trừ sâu, dẫn đến tình trạng kháng thuốc, trong khi thiên địch bị giết chết và giống lúa kháng rầy ngày càng mất tính kháng. Do đó, cần phải có hướng phòng trị rầy nâu lâu dài để sản xuất lúa bền vững. Mô hình “cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và các bệnh virus trên cây lúa” là mô hình trồng các loài hoa có phấn hoa và mật hoa trên bờ ruộng nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho các loài thiên địch,do đó sẽ thu hút chúng đến cư ngụ. Một số loài hoa có mật và hương thơm của chúng thu hút côn trùng thiên địch với đặc điểm dễ trồng, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm như hoa cúc mặt trời, sao nhái, cẩm tú, trâm ổi, mè... Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: sài đất, xuyến chi, cúc gót và cỏ cứt heo. Ngoài cỏ có hoa, nông dân còn trồng bổ sung cây màu có hoa khác như đậu bắp, bắp, đậu xanh,... để đồng thời gia tăng lợi nhuận.

Số lượng hoa cần trồng phụ thuộc vào kích thước bờ ruộng, chỉ tận dụng các bờ sẵn có, không cần phải tạo thêm bờ mới. Điều quan trọng là cần cộng đồng nông dân tham gia để tạo vùng có hoa đủ lớn, như vậy thiên địch mới có điều kiện phát triển thành số đông, đủ gây áp lực với sâu, rầy. Hoa được trồng trên bờ ruộng trước khi xuống giống lúa nhằm thu hút thiên địch ngay từ đầu. Thời điểm trồng hoa khoảng một tháng trước khi gieo sạ và nên duy trì hoa liên tục trên bờ ruộng  từ vụ này sang vụ khác sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sử dụng thuốc hóa học.

Triển vọng thành công của mô hình công nghệ sinh thái này sẽ là bước đột phá cho trương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời hạ giá thành sản xuất và tăng phẩm chất nông sản... Mô hình này cũng có thể áp dụng cho vườn cây ăn trái hay rau màu trong việc phát triển hệ thống đa canh để vừa tạo được sự đa dạng sinh học vừa đa dạng hóa sản phẩm để tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác, nhằm giữ được diện tích đất nông nghiệp đảm bảo cho an toàn lương thực và làm mảng xanh cho cuộc sống ngày càng bị khói bụi ở các đô thị bao quanh.

                                                                                        Ks. Trương Hồng Huy

Trạm Khuyến nông Tân Phước, Tiền Giang