Trước thực trạng trên, UBND thành phố Trà Vinh đã chỉ đạo phòng Kinh tế thành phố tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung cho lĩnh vực sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất khả năng phát triển một số mô hình nông nghiệp đô thị thành phố Trà Vinh”. Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyên ngư tỉnh và phòng Kinh tế thành phố triển khai thực hiện. Kết quả có 4 hộ được chọn thực hiện mô hình trồng rau thủy canh tại phường 5, phường 8, 9 và 02 hộ thực hiện mô hình trồng lan cấy mô tại phường 5, 8, thành phố Trà Vinh.

Sau 03 tháng triển khai thực hiện, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá “Hiệu quả ứng dụng công nghệ tiên tiến không dùng đất qui mô nhỏ cho người dân sống ở đô thị”, trong đó có các mô hình trồng rau thủy canh, rau mầm, giá đỗ và dưa leo chất lượng, an toàn trên giá thể sạch với hệ thống tưới nhỏ giọt.

Tại buổi Hội thảo, nông dân được nghe báo cáo về kết quả mô hình đã đạt được, quá trình thực hiện mô hình cũng như những khó khăn, thuận lợi, bài học rút ra  từ mô hình. Đồng thời bà con nông dân được tham quan và được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến mô hình. Người dân tham gia Hội thảo rất thích thú với mô hình mới theo công nghệ tiên tiến này.

Kết quả cho thấy, cây rau trong mô hình sinh trưởng phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ sống đạt đến 99%, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian từ trồng đến thu hoạch giảm trung bình được 10 - 15 ngày. Sản phẩm tạo ra sạch, an toàn cho người sử dụng, đặc biệt không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thành công của mô hình mở ra một hướng sản xuất mới trong canh tác rau ăn lá. Nếu mở rộng được mô hình trồng rau thuỷ canh, người nông dân sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đất vốn hạn chế và tận dụng được khoảng không gian để có được những vụ mùa năng suất và chất lượng.

Tuy nhiên để mô hình sản xuất rau an toàn thực sự phát triển bền vững, hội thảo cũng đưa ra các giải pháp sau:

Một là, Triển khai quán triệt cho người dân nắm và tiếp cận chính sách hỗ trợ sản xuất tiêu thụ rau an toàn và hỗ trợ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới.

Hai là, Thực hiện các mô hình nông nghiệp trình diễn như: sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, trồng rau thủy canh trong nhà lưới,… khuyến khích nhân rộng mô hình. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật váo sản xuất rau an phù hợp với tình hình địa phương.

Ba là, Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện những sản phẩm rau không an toàn, tẩy chay những sản phẩm rau không đạt chất lượng. Các sản phẩm rau an toàn cũng được gắn tem thương hiệu sản phẩm thể hiện nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bốn là, Xây dựng cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản sạch tại các chợ, đồng thời  các cửa hàng phải thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy sản xuất rau an toàn.Khuyến khích những doanh nghiệp “đầu tàu” có những đầu tư công nghệ cao vào sản xuất để xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, kích thích người dân yên tâm sản xuất,…

Năm là, Ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư diện, nước, đường giao thông phục vụ sản xuất vùng rau an toàn.

Hiện tại, thành phố Trà Vinh đã quy hoạch được 3 vùng rau an toàn tại phường 7, 9 và xã Long Đức, với tổng diện tích 30 ha; được tỉnh công nhận vùng sản xuất rau an toàn là 10,65 ha, trong đó chủ yếu sản xuất rau ăn lá các loại, năng suất ước đạt khoảng 18 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt 2.000 tấn, sản phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực.

Nguyễn Vũ thường

Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh