Vừa thu lúa vào bao, ông  Ma Văn Thái, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn phấn khởi vì giống lúa lai LP 1601 được mùa. Ông Thái chia sẻ, được Công ty TNHH giống cây trồng LongPing (Việt Nam) hỗ trợ giống, tháng 1/2021, gia đình ông thực hiện gieo cấy 3 sào (1.080 m2) giống lúa LP 1601 theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Giống lúa này có ưu điểm là đẻ nhánh khỏe, cứng cây nên chống đổ tốt; chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn.

Ông  Thái cho hay, mặc dù mới trồng vụ đầu tiên nhưng ông khẳng định giống lúa lai LP 1601 này rất phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng tại địa phương. Trong khi những thửa ruộng bên cạnh bị sâu bệnh cuối vụ thì thửa ruộng của ông cây lúa vẫn khỏe, bông vàng ươm trĩu hạt. Theo đánh giá của gia đình năng suất lúa đạt 270 kg/sào và ông sẽ tiếp tục sử dụng giống lúa này trong những vụ tới.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La Nguyễn Văn Ngân cho biết, mặc dù là vụ đầu tiên thực hiện mô hình trình diễn giống lúa thuần VNR88 của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam VINASEED với quy mô 02 ha nhưng qua theo dõi cho thấy, đây là giống có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, phù hợp với đồng đất địa phương. Theo ông Ngân, trong bối cảnh nhiều giống lúa truyền thống của người dân có biểu hiện thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh thì giống lúa VNR88 đã thể hiện ưu thế vượt trội như đẻ nhánh khỏe, trổ bông tập trung; bông to, tỷ lệ hạt chắc/bông cao; năng suất trung bình 72 tạ/ha, nơi cao đạt đến 75 tạ/ha. Đặc biệt, đây là giống lúa có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt; chất lượng hạt gạo trong, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm, ngon cơm. Với tiềm năng năng suất, chất lượng cao, vụ mùa tới chắc chắn HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất giống lúa này, ông Ngân khẳng định.

Trên cánh đồng của xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình vụ xuân vừa qua bà con nông dân đã thực hiện mô hình gieo cấy giống lúa đen Cẩm Thảo với tổng diện tích là 2 ha, có 15 hộ tham gia thực hiện. Qua thực tế thâm canh, giống lúa đen Cẩm Thảo có bộ lá đứng, gốc gọn, thoát cổ bông tốt, độ thuần đồng ruộng cao, phù hợp với đồng đất của địa phương. Đây cũng là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đến nay lúa đã chín, bà con đang tiến hành thu hoạch, theo đánh giá năng suất đạt trên 65 tạ/ha. Sau khi thu hoạch, Công ty Nâng tầm giá trị Việt đã trực tiếp đến thu mua thóc tươi ngay tại ruộng cho bà con nông dân.

Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, trong sản xuất nông nghiệp, giống là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Do vậy, việc thực hiện mô hình để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với biến đổi khí hậu… là việc làm cần thiết để các giống lúa mới khi đưa vào sản xuất đại trà có tính ổn định, đạt kết quả lâu dài và được thị trường ưa chuộng. Qua thực hiện nhiều vụ sản xuất, mỗi năm, ngành nông nghiệp đều lựa chọn được một số giống để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong đó nhiều giống thể hiện ưu điểm vượt trội, được nông dân ưu tiên lựa chọn thành giống sản xuất chính như giống lúa lai MHC2; giống lúa thuần Hà Phát 3, TBR279, Dự Hương 8, VNR20, J01…

Đánh giá mô hình giống lúa mới tại huyện Sơn Dương vụ xuân 2021

 

Từ kết quả ở vụ xuân, trong những vụ tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với các đơn vị sản xuất giống thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa mới tại nhiều địa phương, trên nhiều chất đất khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách cụ thể và khách quan. Nếu đảm bảo yêu cầu thực tế sản xuất, sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang