Tham quan mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn

Vụ hè thu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long phối hợp với Trạm Khuyến nông Vũng Liêm và Trạm Khuyến nông Trà Ôn xây dựng mô hình trình diễn thuộc dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.

Mô hình triển khai tại xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm và xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn với qui mô 80 ha do 156 nông dân thực hiện. Nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao OM5451 cấp xác nhận thay thế giống chất lượng thấp IR50404, thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí lúa giống và 30% chi phí vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình gồm:

+ Áp dụng biện pháp cấy với lượng giống 30 - 40 kg/ha, gieo mạ thưa, cấy mạ 1 tép (dảnh); Áp dụng biện pháp sạ hàng với lượng giống 70 - 80 kg/ha.

+ Sử dụng phân đơn và phân hữu cơ sinh học trong việc bón lót, kết hợp bón phân cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lúa.

+ Giảm thuốc bảo vệ thực vật (áp dụng IPM, ICM): Sử dụng thuốc có độ độc thấp, an toàn, chỉ phun thuốc trừ sâu khi sâu hại đến ngưỡng gây hại kinh tế.

+ Quản lý nước theo phương pháp ngập - khô xen kẽ, hoặc rút nước giữa và cuối vụ đã giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã vào cuối vụ đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng phèn và ngộ độc hữu cơ.   

Đây là lần đầu tiên, nông dân tại địa phương áp dụng biện pháp bón lót lân và phân hữu cơ sinh học nhưng nhìn chung bà con đều đồng thuận sử dụng. Phần lớn các hộ bón phân cân đối NPK theo nhu cầu của cây lúa và thời kỳ sinh trưởng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Do đó giảm được lượng phân đạm dư thừa đáng kể so với tập quán canh tác trước đây, góp phần giúp cây lúa khỏe, hạn chế được sâu bệnh tấn công, giảm được 1 - 1,5 lần phun thuốc trừ sâu. Việc sử dụng phân lân và phân hữu cơ sinh học trong khi bón lót đã tạo điều kiện cho bộ rễ cây trồng phát triển khỏe, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây và hạn chế tình hình sâu bệnh phá hại.

Qua 5 tháng thực hiện mô hình, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản ứng dụng vào sản xuất lúa giảm giá thành và tăng lợi nhuận qua việc: gieo cấy với mật độ thưa, tiết kiệm nước theo nhu cầu của cây lúa, không đốt rơm rạ hạn chế phát thải khí nhà kính bằng cách sử dụng nấm Trichoderma phân hủy hoặc sử dụng rơm rạ để phát triển nghề trồng nấm. Ngoài ra, nông dân còn biết phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, phun thuốc BVTV theo 4 đúng và thực hành ghi chép sổ tay sản xuất giúp nông dân hạch toán hiệu quả sản xuất. Nhìn chung trà lúa đạt chất lượng (cứng cây, ít đổ ngã, lúa sáng đẹp), tiết kiệm lượng giống đáng kể 80 – 120 kg/ha.

Sau khi thu hoạch, lúa trong mô hình đạt năng suất bình quân 7,5 tấn/ha (lúa cấy) và 7 tấn/ha (sạ hàng), vượt so với mục tiêu dự án; cao hơn 10-15% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trong mô hình (lúa cấy) cao hơn ngoài mô hình 6.914.000 đồng/ha.

Phòng Nông nghiệp và PTNT 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và chính quyền địa phương đánh giá mô hình đem lại hiệu quả cả 3 mặt về: kinh tế, khoa học và môi trường. Về kinh tế: giảm đầu tư giống, phân bón hóa học (phân đạm), thuốc BVTV, nước… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về khoa học: làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất sạ dày của bà con nông dân. Về môi trường: góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch và tạo ra sản phẩm an toàn.

Với thành công trên, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long quyết định tiếp tục duy trì và mở rộng địa bàn dự án ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính theo kỹ thuật SRI bằng phương pháp cấy máy. Theo kế hoạch dự án triển khai với diện tích 240 ha, thực hiện trong 3 năm (2016 – 2018) tại một số huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ... thực hiện lồng ghép trong chương trình Cánh đồng mẫu tại địa phương theo hướng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Kinh phí đề xuất từ nguồn kinh phí khuyến nông hàng năm và Dự án Cánh đồng mẫu giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh.

Thanh Thủy

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long