Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân với quy mô 12.500 con cá thát lát cườm và 10.000 con cá sặc rằn chia thành 05 điểm trình diễn với 05 hộ nông dân tham gia.

Mô hình được thực hiện theo hình thức nuôi ghép. Theo đó, cá thát lát cườm sẽ được thả trong vèo lưới, còn cá sặc rằn sẽ được thả bên ngoài vèo nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của cá thát lát cườm.

Theo báo cáo tại buổi hội thảo, các mô hình đều đạt yêu cầu đề ra. Trong quá trình nuôi, cá thát lát cườm và sặc rằn đều tăng trưởng tốt. Sau thời gian nuôi 03 tháng, cá thát lát cườm đạt trọng lượng 90 – 100 gam/con (tỷ lệ sống 88,2%), cá sặc rằn 70 – 80 gam/con (tỷ lệ sống 93,2%). Ước tính lợi nhuận sau 06 tháng nuôi đạt trên 10 triệu đồng/điểm/hộ (2.500 con cá thát lát cườm và 2.000 con cá sặc rằn).

Phát biểu tại buổi hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng cá thát lát cườm và cá sặc rằn rất phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương. Việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long trình diễn mô hình nuôi cá thát lát cườm kết hợp với cá sặc rằn sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để làm cơ sở phát triển mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn của mô hình là giá thức ăn viên công nghiệp dành cho cá thát lát cườm còn khá đắt nên chi phí mô hình còn cao, nếu tận dụng được nguồn thức ăn tươi sống sẵn có tại địa phương sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thành công của mô hình đã giúp người nuôi cá tại địa phương có thêm đối tượng nuôi mới. Tuỳ vào điều kiện nông hộ, đối tượng này có thể được phát triển ở quy mô thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế hay nuôi với mục đích tạo nguồn thực phẩm tốt, có giá trị dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình.

Minh Luân

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long