Tuy nhiên hiện nay bà con nông dân còn sử dụng lượng giống sạ khá cao, phổ biến từ 180-200kg/ha. Trong khi đó, theo khuyến cáo của cơ quan nghiên cứu thì lượng giống phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa là 80-100kg/ha. Việc sử dụng lượng giống quá cao không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo, quỹ lúa giống của toàn vùng cũng như cản trở tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong vùng.

Thấy được tầm quan trọng đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát động nhiều chương trình giảm lượng giống tại các địa phương cũng như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, canh tác lúa tiên tiến…để nông dân giảm lượng giống sạ.

Với tinh thần đó, trong năm 2017, Cục Trồng Trọt đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long và Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long triển khai thực hiện mô hình truyền thông giảm lượng giống sạ trong vụ Thu Đông 2017 đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tiếp nối thành công từ mô hình năm 2017, trong vụ Đông Xuân năm 2017- 2018, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện kế hoạch “ Mô hình truyền thông giảm lượng giống gieo sạ”.

Để đánh giá lại kết quả thực hiện mô hình trong thời gian qua, ngày 16/3/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long tổ chức hội nghị “Sơ kết mô hình truyền thông giảm lượng giống gieo sạ vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2017-2018”  với sự tham gia của Cục Trồng trọt, Viện lúa ĐBSCL, chính quyền địa phương và hơn 100 nông dân tham dự.

Toàn cảnh hội nghị

Mô hình được thực hiện với 3 mật độ sạ là 60kg, 80kg, 100kg với giống lúa OM 5451. Tại hội thảo, kết quả cho thấy thực tế ở ngoài đồng ruộng hầu hết các mật độ sạ cho kết quả sinh trưởng tốt với điều kiện canh tác của địa phương, cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh, thân cứng, không đổ ngã và khả năng chống chọi với sâu bệnh tốt hơn, trong đó mật độ sạ 80kg/ha được đánh giá cao nhất. Theo báo cáo của cán bộ theo dõi mô hình, năng suất lúa tươi với mật độ sạ 60kg/ha đạt 8,7 tấn, 80kg/ha là 9,4 tấn và 100kg là 8,7 tấn.

Anh Nguyễn Văn Thắng, người trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai, tôi cảm thấy rất lo lắng về tính khả thi của mô hình giảm lượng giống gieo sạ, bởi xưa giờ nhà nông đã quen gieo sạ từ 180 – 200 kg giống/ha. Còn bây giờ sạ theo khuyến cáo của nhà khoa học thì chỉ còn 60-80kg lúa giống/ha, tỷ lệ quá thấp”.

Tuy nhiên, sau khi tham gia mô hình, anh Thắng nhận thấy việc sạ thưa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thành công ngoài mong đợi. Khi giảm giống thì tất cả các yếu tố đầu vào khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đều giảm theo, ước tính tổng chi phí của mô hình giảm khoảng hơn 3 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống trước đây. Anh cho biết thêm, các vụ tiếp theo, anh sẽ thực hiện giảm lượng giống gieo sạ và sẽ sạ với mật độ 80kg/ha. Theo anh, đây là mật độ hợp lý nhất và cho kết quả cao nhất. Với mật độ 60kg /ha, lúa phát triển vẫn tốt, nhưng giai đoạn nhỏ, chi phí dặm cao hơn, năng suất không bằng sạ mật độ 80kg/ha.

Kết thúc buổi hội thảo các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình. Những kết quả đạt được này là minh chứng cho sự nỗ lực của các ngành chuyên môn trong việc nghiên cứu các giải pháp nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất lúa.

Mô hình truyền thông giảm lượng giống gieo sạ tại vùng ĐBSCL được  triển khai là một trong những lời giải cho câu hỏi làm thế nào để tăng hiệu quả của việc  sản xuất lúa , giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo nông dân có lãi.

                                             Nguyễn Văn Bình

Trạm Khuyến nông huyện Trà Ôn