Để thực hiện thành công dự án, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long cùng Trạm Khuyến nông huyện Trà Ôn đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn chọn được 25 hộ nông dân đủ điều kiện tham gia mô hình. Trong khuôn khổ dự án nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 80 kg/ha lúa giống nguyên chủng, phân urê: 75 kg/ha, phân lân super: 135 kg/ha, phân clorua kali: 45 kg/ha, thuốc trừ cỏ có giá trị 90.000 đồng/ha, thuốc BVTV có giá  trị 360.000 đồng/ha. 

Nông dân tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật như sau: Lượng giống sử dụng trong mô hình 80 kg/ha; Giống OM5451 cấp nguyên chủng; Sử dụng phương pháp sạ hàng. Nông dân được hướng dẫn một số giải pháp chính trong giảm giống gieo sạ, phương pháp thăm đồng và quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Một số dịch hại xuất hiện trong vụ như: sâu cắn gié, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá chín sớm… áp lực sâu bệnh trên đồng thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình gieo sạ dày. Vì vậy số lần phun thuốc BVTV giảm 02 lần phun (1 lần thuốc sâu và 1 lần thuốc bệnh). Chi phí tiền thuốc BVTV giảm 480.000 đồng/ha và công phun thuốc giảm 500.000 đồng/ha. Mô hình áp dụng phương pháp ngập khô xen kẽ…

Đồng thời, cán bộ khuyến nông đều hướng dẫn các hộ sản xuất thu hoạch tập trung, chuẩn bị máy gặt đập riêng, phơi sấy thực hiện riêng, bảo đảm không lẫn cơ giới giống khác.

Điểm trình diễn mô hình sản xuất giống lúa xác nhận 1 tại ấp Tường Trí, xã Nhơn Bình

 Kết quả năng suất của mô hình (so sánh đối chứng): Năng suất lúa khô trong mô hình (5,5 tấn/ha), được đánh giá cao hơn ngoài mô hình (5,1 tấn/ha) là 0,4 tấn/ha.

Về chi phí đầu tư: trong mô hình (18.638.500 đồng/ha) thấp hơn ngoài mô hình 2.784.900 đồng/ha. Với giá bán 6.800 đồng/kg, lợi nhuận bình quân trong mô hình đạt 18.761.500 đồng/ha, cao hơn lúa sạ lan ngoài mô hình là 9.584.900  đồng/ha.

Nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, phòng trừ sâu bệnh hại có hiệu quả, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong việc thực hiện mô hình nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc BVTV, giảm phân bón góp phần bảo vệ môi trường, năng suất của mô hình có cao hơn năng suất đại trà. Thông qua mô hình từng bước nâng cao kỹ năng sản xuất giống, góp phần hạ giá thành sản phẩm hạt giống, tạo điều kiện để người sản xuất có thể tiếp cận được với hạt giống lúa xác nhận, mô hình đã được nông dân xung quanh vùng dự án học hỏi và nhân rộng lên  47,6 ha cho vụ tiếp theo. Trung Tâm Khuyến Nông Vĩnh Long giới thiệu cho Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Mỹ hợp tác thu mua lúa giống xác nhận 1 cho bà con nông dân tham gia dự án với sản lượng 110 tấn, dự kiến gieo sạ được khoảng 1200 ha sản xuất lúa đại trà.  

Dự án đã góp phần giúp Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long thực hiện tốt chương trình xã hội hóa công tác giống lúa trong tỉnh nhất là ở các vùng sâu, vùng xa tạo ra cánh đồng lớn đồng nhất về kỹ thuật canh tác, đồng nhất về chủng loại giống và chất lượng hướng đến sản xuất hình thành vùng nguyên liệu, cung ứng sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường trong và ngoài nước./.    

Thành Khải

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long