Mô hình được triển khai với diện tích 40 ha tại thôn Nam Bản, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, sử dụng giống lúa thuần DQ11 do công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang cung ứng. Qua theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa cho thấy: Số dảnh tối đa trung bình/khóm của giống lúa DQ11 cấy máy cao hơn so với cấy tay 10%. Khi cấy bằng máy mật độ được điều chỉnh trung bình 24 khóm/m2, so với cấy tay mật độ là 37 khóm/m2 nên lúa cấy máy cứng cây, quần thể ruộng thông thoáng, ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc lúa, hạn chế sự gây hại của các đối tượng như rầy nâu và bệnh khô vằn.

Tham quan mô hình làm mạ khay, cấy máy tại xã Tân Phong

Sơ bộ hoạch toán hiệu quả kinh tế, sử dụng mạ khay áp dụng cấy máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trên giống lúa DQ11 giảm chi phí đầu tư so với phương pháp làm mạ thông thường sử dụng giống lúa KD18, cấy tay 4,5 triệu đồng/ha do giảm được chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí thuê nhân công cấy và thu hoạch đồng thời năng suất lúa cao hơn,... do vậy lãi thu được của mô hình trình diễn mạ khay, cấy máy sử dụng giống lúa DQ11 cao hơn 7,2 triệu đồng/ha.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Tham gia mô hình này tôi thấy nhàn hơn rất nhiều so với phương pháp cấy truyền thống, nhà tôi 2 ông bà ở nhà cũng làm được 6 sào ruộng, mọi thứ đã có máy móc hỗ trợ từ khâu cấy, chăm sóc cho đến thu hoạch không những thế giá thành nhân công lại giảm một nửa so với thuê người cấy, gặt thủ công. Chắc chắn những năm sau gia đình tôi sẽ tiếp tục tham gia mô hình này”./.

Phùng Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Vĩnh Phúc