Mô hình được triển khai tại thôn Trung Sơn,  xã Mông Sơn, huyện Yên Bình với diện tích 3,5 ha bằng giống lúa Nhị ưu 838, Thái Sinh (Trung Quốc). Lúa tái sinh (người dân thường gọi là lúa chét) là lợi dụng mầm ngủ còn sống trên gốc rạ sau khi thu hoạch lúa vụ trước (hay còn gọi là vụ chính) nếu gặp điều kiện thích hợp về nước, nhiệt độ, ánh sáng và chất dinh dưỡng, các mầm đó phát triển thành nhánh tái sinh rồi trổ bông, chín. Với nhiều ưu điểm như: thời gian thu hoạch nhanh, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch là sự lựa chọn của nhiều hộ dân sau khi thu hoạch lúa mùa.

Anh Nguyễn Văn Vũ, thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình chia sẻ: “Năm nay là năm thứ ba gia đình tôi làm mô hình lúa tái sinh. Tôi thấy cách làm này có ưu điểm lớn nhất là không mất nhiều công sức, không tốn nhiều phân bón, thời gian thu hoạch ngắn mà năng suất lại không thấp hơn nhiều so với chính vụ”.

Để tiến hành làm lúa chét đạt hiệu quả cao, người dân phải thu hoạch lúa xuân bằng tay, cắt phẳng gốc rạ vuông góc với mặt ruộng sẽ tạo số lượng nhánh nhiều, độ đồng đều cao, trỗ tập trung. Ruộng cần phải được duy trì mực nước nông 2 - 3 cm trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa tái sinh. Đồng thời, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình đã cử cán bộ theo dõi tình hình phát triển cũng như sâu bệnh hại của các ruộng để có những khuyến cáo, hướng dẫn kịp thời cho người dân.

Lúa tái sinh cho thu hoạch nhanh, không tốn công chăm sóc và năng suất khá cao

 

Chị Trần Thị Sâm, thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn cho biết thêm: “Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi sau khi thu hoạch lúa xuân xong, dùng máy cắt cỏ phát gốc lúa, để lại gốc rạ cao khoảng 30 cm tính từ mặt ruộng trở lên. Ngay sau khi gặt thì tiến hành bón phân urê và kali, được 10 - 12 ngày sau tiếp tục bón lần 2. Chỉ khoảng 3 tuần sau là cây lúa bắt đầu trỗ, chỉ tính từ khi cắt rạ đến khi thu hoạch chỉ khoảng 55 ngày. Như gia đình tôi hiện đang làm 4 sào với giống lúa cũng cho thu được 130 kg/sào”.

Bà Nguyễn Thị Thu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình cho biết: “Mô hình lúa tái sinh được Trung tâm triển khai từ năm 2019 tại một số xã của huyện Yên Bình. Từ thực tế cho thấy đây là cách làm hiệu quả, không những giúp người dân tiết kiệm về chi phí, thời gian mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, để mô hình có hiệu quả cao nhất, chúng tôi luôn lựa chọn các giống lúa lai, là những giống lúa có khả năng đẻ nhiều nhánh, to, khỏe, tái sinh mạnh, trổ bông nhanh, tỉ lệ hạt lép thấp, lúa chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Thêm vào đó, người dân cũng cần thường xuyên thăm ruộng để theo dõi tình hình sâu bệnh hại và bón phân hợp lý cho từng giai đoạn phát triển của lúa”.

Qua thực tế mô hình cho thấy, so với chi phí đầu tư, mô hình sản xuất lúa tái sinh cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, lại tiết kiệm được thời gian cho người dân có thể nhân rộng ra các xã trong huyện.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái