Mô hình thực hiện tại hộ bà Trần Thị Lên ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm, với số lượng 600 con, quy mô 100 m2 đệm lót.

Trong quá trình nuôi, chủ hộ thực hiện mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn. Khi gà thả nuôi được 10 ngày, tiến hành làm đệm lót, lấy chế phẩm Max250 trộn với trấu sạch phủ lên bề mặt chuồng, với tỷ lệ 1 kg Max250 : 25 m2 chuồng.  Đệm lót được xử lý sẽ phân huỷ tốt không để lại mùi hôi, môi trường sạch sẽ. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhưng đàn gà vẫn sinh trưởng phát triển tốt.      

Để tăng sức đề kháng cho gà con từ 1-14 ngày tuổi, cũng như những ngày thời tiết thay đổi, trước và sau khi tiêm phòng các loại vắxin, chủ hộ hoà thêm vitamin C vào nước cho gà uống. Hàng ngày, chủ hộ vệ sinh máng ăn, máng uống, định kỳ bảo dưỡng đệm lót chuồng (cứ 25-30 ngày rắc thêm 1/2 số lượng chế phẩm so với lần làm đệm ban đầu). Chủ hộ thực hiện nuôi theo phương pháp phối trộn, sử dụng men S.68 để ủ cám bắp, cám gạo, tấm, sau 24-48 giờ, thức ăn lên men, khi cho gà ăn trộn với cám đậm đặc.

Kết quả của mô hình sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn gà trong mô hình đạt 93,1%, trọng lượng đạt 1,5 kg/con. Giá bán thực tế của hộ là 80.000 đồng/kg, tổng thu 65 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí còn lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.

Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm: không gây mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm, giảm rõ tỷ lệ mắc bệnh cho gà đặc biệt là bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, giảm tồn dư thuốc kháng sinh, tăng sản lượng, chất lượng thịt gà. Mô hình đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư.

                                                                                       Ngô Mùa

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ngãi