Xây dựng trung tâm phát triển bò sữa

Đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh xác định xây dựng trọng điểm tại 2 xã: Mộc Bắc huyện Duy Tiên và xã Nguyên Lý huyện Lý Nhân thành trung tâm phát triển bò sữa của tỉnh.

Đối với xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến xã, cộng với người dân đã có kinh nghiệm nhiều năm về chăn nuôi bò sữa và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân nên đàn bò sữa phát triển khá tốt, theo đúng kế hoạch đề ra, đến nay đã quy hoạch được 04 khu chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt với tổng diện tích là 120,5 ha, quy mô 90 trại bò nuôi 2.420 con; đã có 74 hộ dân và 01 doanh nghiệp tham gia chăn nuôi 1.439 con bò sữa (đạt khoảng 60% quy hoạch), sản lượng sữa cung cấp bán cho nhà máy đạt 13 tấn sữa tươi/ngày;

Xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân là xã mới phát triển chăn nuôi bò sữa từ đầu năm 2015 đến nay, người dân chưa có kinh nghiệm chăn nuôi cộng với chính quyền các cấp tại địa phương thiếu quyết liệt trong việc triển khai thực hiện và vận động người dân tham ra Đề án. Đến nay kết quả phát triển chăn nuôi đạt còn thấp, cụ thể: đã phê duyệt 01 khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa, diện tích 11,6 ha, quy mô 39 trại bò nuôi 510 con, hiện tại có 08 hộ tham gia chăn nuôi 152 con bò sữa (đạt 29,8% QH), sản lượng sữa bán cho nhà máy đạt 2 tấn sữa/ngày.

Để Đề án chăn nuôi bò sữa triển khai một cách hiệu quả, tỉnh Hà Nam đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị chủ trì Chi cục Chăn nuôi Thú y đã chủ động tham mưu cho Sở, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án từng năm, phối hợp với các Sở, ngành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đề án; Thành lập Tổ kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn cho nông dân và kỹ thuật viên cơ sở với 520 lượt người chăn nuôi trên toàn tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, quy trình vắt sữa, quy trình phòng, điều trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc gọt móng cho bò sữa, chăm sóc đồng cỏ và chế biến dự trữ thức ăn cho mùa đông, quy trình xử lý chất thải và phòng chống nắng nóng cho bò trong mùa hè;kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò... Đồng thời quy hoạch đất trồng cây thức ăn cho bò sữa với diện tích 216,77 ha, cơ bản đáp ứng đủ nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa toàn tỉnh. Đặc biệt để tạo vốn đầu tư cho các hộ phát triển bò sữa, tính đến 30/6/2018, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã cho 128 khách hàng vay với số tiền là 71,524 tỷ đồng để mua con giống. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm sữa, tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp các hộ ký hợp đồng bán sữa tươi cho 2 công ty chế biến: Công ty thu mua khoảng 11,1 tấn/ngày, giá bán 13.000-14.000 đồng/kg; Công ty Friesland Campina ký khoảng 5,5 tấn/ngày, giá bán 11.000-12.000 đồng/kg. Ngoài ra có 3 hộ tự chế biến sữa thủ công cung cấp bán tại địa phương và sữa dùng cho nuôi bê số lượng 2,4 tấn sữa/ngày. Tuy nhiên, hiện nay giá sữa tươi nguyên liệu trên thế giới giảm ở mức 9.000 - 9.500 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm đầu năm 2016 trở về trước do đó các nhà máy chế biến thu mua sữa tại Hà Nam đã tăng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sữa tươi thu mua, sữa không đạt các chỉ tiêu kỹ thuật quy định sẽ giảm giá mua sữa rất mạnh còn 7.000 nghìn đồng/kg - đây cũng chính là nguyên nhân các hộ chăn nuôi bò sữa khó phát triển tăng quy mô đàn.

Không những vậy toàn tỉnh còn làm tốt công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh và nhân giống cho bò sữa như hỗ trợ 3.000 thẻ tai và tiến hành đeo bổ sung cho những con bò mua mới, bê sinh ra và bị mất thẻ tai; cấp 200 sổ theo dõi lý lịch bò sữa và hướng dẫn ghi chép cho các hộ chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng; giám sát quá trình điều trị bệnh. Hỗ trợ tổng số 13.060 liều tinh và các vật tư phối giống kèm theo để phối giống cho 4.252 lượt bò, bê cái đạt 100% có chửa; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa cho trên 300 lượt các dẫn tinh viên, cán bộ khuyến nông viên cơ sở và các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân

Mở rộng, phát triển quy mô đàn

Nhờ có các biện pháp như trên, chăn nuôi bò sữa trong 2 năm qua đã thực sự hiệu quả chất lượng, phát triển mở rộng quy mô đàn và sản lượng sữa. Đến nay, toàn tỉnh có 196 hộ chăn nuôi 3.139 con bò và bê; sản lượng sữa bán cho các nhà máy là 19 tấn/ngày; tổng lượng sữa là 4425 tấn, doanh thu đạt gần 58 tỷ đồng. Về quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tập trung hiện nay toàn tỉnh có 9/11 khu quy hoạch thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng (chiếm trên 81%), trong đó có 04 khu hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng; 5 khu hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng; Đã làm 3,85km đường bê tôngvàxây dựng 11 trạm điện cung cấp điện cho 97 hộ chăn nuôi; 6 khu có nước sạch cung cấp cho 52 hộ chăn nuôi. Hiện nay có 12/12 khu quy hoạch đã triển khai chăn nuôi bò sữa với tổng số 104/335 trại bò được quy hoạch (đạt 31%), tổng đàn bò đạt 2.350/5.830 con (đạt 40,3% so với quy hoạch), diện tích đất đã giao cho các hộ sử dụng là 115,87 ha/281,81 ha quy hoạch, đạt 41,11%. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu quy hoạch cho 47/94 hộ chăn nuôi với diện tích 26,96 ha (đạt 34,73%); Huyện Duy Tiên thẩm định và cấp xong giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 11 hộ chăn nuôi bò sữa tại 3 khu của huyện.

Bên cạnh quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tập trung, tỉnh còn liên kết phát triển bò sữa tại các doanh nghiệp, trong đó Dự án Friesland Campina ở xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên của Công ty Friesland Campina Hà Nam xây dựng 10 trại nuôi 800 con bò sữa trên tổng diện tích duyệt 66 ha (hiện đang chờ ý kiến của UBND tỉnh thay đổi quy mô xuống còn 8 trại nuôi 800 con bò sữa ). Hiện nay đã có 4 trại đang nuôi bò sữa với tổng đàn đạt 162 con đạt 20,3% so với kế hoạch; 1 trại đang xây dựng; 3 trại chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Tập trung giải quyết những khó khăn

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn như: Chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam không phải là nghề truyền thống; quy mô chăn nuôi đang nhỏ lẻ, phân tán; chăn nuôi quy mô nông hộ còn phổ biến với công nghệ kỹ thuật lạc hậu, thủ công khiến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Quỹ đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch cho bò sữa không nhiều, chủ yếu là diện tích đất bãi ven sông Hồng, sông Châu, sông Đáy, lại không có đồng cỏ tự nhiên, thức ăn thô xanh được trồng cung cấp cho bò chưa đa dạng, chất lượng thấp, chủ yếu là cỏ voi, cây ngô và một số loại cỏ tự nhiên khác. Giống và công nghệ hỗ trợ chăn nuôi bò sữa chưa phát triển. Giá sữa nguyên liệu của thế giới giảm mạnh từ cuối năm 2016 đến nay (giá sữa nguyên liệu thế giới khoảng 7.500 - 9.500 đồng/lít), các nhà máy chế biến sữa đưa ra nhiều chính sách thắt chặt chất lượng nhằm giảm sản lượng thu mua sữa của người chăn nuôi...

Nhằm khắc phục với những khó khăn này, tỉnh đã có những giải pháp để tập trung chỉ đạo các địa phương như vận động, khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng đàn. Phấn đấu phát triển số lượng đàn bò sữa đạt mức cao nhất theo kế hoạch Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 – 2020; Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, nắm bắt được các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa.

Ngoài ra tỉnh cũng cố gắng giải quyết tốt những khó khăn về xử lý chất thải, xây dựng cơ sở hạ tầng của các khu chăn nuôi, nguồn vốn đầu tư nâng tổng đàn, tập trung cao để thu hút Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) sớm đầu tư chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam, khuyến khích hình thành các mô hình liên kết nhóm hộ, chuỗi sản xuất chế biến sữa tại chỗ nhằm mục đích nâng cao giá trị của sản phẩm sữa, xây dựng sản phẩm sữa sạch mang thương hiệu Hà Nam có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và nâng cao hiệu quả thu nhập cho người chăn nuôi.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam