Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố, các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án khuyến nông trung ương ở phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), các cơ quan thông tấn báo chí. Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thông tin về tình hình hệ thống tổ chức khuyến nông toàn quốc, tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông trung ương năm 2019 đến các địa phương, đơn vị. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố và các tổ chức chủ trì dự án đã báo cáo về tình hình hoạt động khuyến nông năm 2019, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông. Đồng thời, đại diện Vụ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 75/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông mới ban hành.

Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận và kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị, đồng chí Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết Hội nghị như sau:

1. Trước yêu cầu của thực tiễn khách quan, khuyến nông cần phải đổi mới cả về hệ thống tổ chức cũng như nội dung, phương pháp hoạt động khuyến nông. Hệ thống khuyến nông các cấp đang tiến hành sắp xếp, kiện toàn theo Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố cần tổng kết, đánh giá về mô hình tổ chức và hoạt động của khuyến nông địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức phù hợp để hoạt động có hiệu quả.

2. Đồng thời với việc đổi mới hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp, các địa phương cũng cần quan tâm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Cán bộ khuyến nông cần phải được trang bị bổ sung những kỹ năng mềm như: công nghệ thông tin, liên kết sản xuất, thị trường, hội nhập, biến đổi khí hậu,... Cần coi yếu tố “con người” là nhân tố quyết định đến sự thành công của việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông.

3. Thực hiện đổi mới đồng bộ cả về nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông. Thay đổi tư duy và cách tiếp cận khuyến nông từ khuyến nông với vai trò hỗ trợ sang khuyến nông giữ vai trò kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường (kết nối cung cầu). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động: từ mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng kết Hội nghị 

Năm 2019 và tiếp theo là năm 2020 sẽ là quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với hệ thống khuyến nông Việt Nam. Cùng với việc đổi mới hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp theo Nghị quyết 19-NQ/TW, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố còn phải khẩn trương hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến nông trung ương và địa phương theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP để làm nền tảng đổi mới hoạt động khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kêu gọi hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp phát huy trí tuệ, chung tay duy trì, xây dựng, phát triển thương hiệu “Khuyến nông Việt Nam”. Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của khuyến nông bằng những hành động thực tế, bằng những giá trị được kết tinh trong từng sản phẩm nông sản Việt Nam.

Bá Tiến

Ảnh: Hoa Trà