Toàn cảnh hội thảo

 

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 – 2020, triển khai chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025, cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh của Tổ chức WWF, các chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh và tham khảo một số báo cáo khác.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về công tác quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất, cung ứng, quản lý tiêu chuẩn, cơ hội, thách thức của ngành dừa, ứng dụng công nghệ cao và chọn tạo giống dừa trong thời gian tới.

Được biết, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh và đơn vị tư vấn, tỉnh Trà Vinh có 24.963 ha trồng dừa, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bến Tre), sản lượng 296 triệu quả, có 4.012 ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, trong đó có 260 ha đạt 06 tiêu chuẩn (châu Âu-EU, Mỹ-USDA, Nhật-JAS, Úc-ACO, Thụy Điển-KRAV và GlobalGAP), 722 ha dừa sáp (65,8 ha dừa sáp cấy phôi).  

Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025: mở rộng diện tích và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000 ha, năng suất đạt 16 tấn/ha, ít nhất 8.000 ha dừa “theo hướng hữu cơ”, trong đó 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa.

Hội thảo là cơ hội để các đơn vị, công ty sản xuất, kinh doanh chuỗi giá trị cây dừa gặp gỡ, chia sẻ, liên kết với nông dân, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị cây dừa của tỉnh và phát triển bền vững.

Trương Văn Thương

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh