Trung tâm Khuyến nông Hà Nam kiểm tra mức độ hồi phục của lúa sau ngày thứ 5 của cơn bão số 1 tại huyện Thanh Liêm

* Thanh Liêm - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh

Cơn bão số 1 diễn ra ngày 27 và 28/7 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Các diện tích cây ăn quả bị gió giật gây đổ gãy, rụng quả hàng loạt; diện tích lúa bị ngập trắng 13.000ha, phất phơ 15.000 ha. Theo số liệu tổng hợp, tính đến ngày 31/7 diện tích lúa chưa tiêu thoát được nước, khả năng hồi phục kém khoảng trên 1.500 ha; rau màu bị rập nát, thối hỏng hàng loạt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sinh trưởng và phát triển của các đối tượng cây trồng.

Ngày 1/8/2016, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã đi kiểm tra mức độ hồi phục của lúa sau ngày thứ 5 của cơn bão số 1 tại huyện Thanh Liêm – nơi sản xuất nông nghiệp hứng chịu nặng nề nhất tại tỉnh Hà Nam. Đến thời điểm này nhiều diện tích ở các xã vùng trũng của Thanh Liêm đã cơ bản được tiêu nước, nhưng một số nơi vẫn cục bộ ngập trắng, có nơi ngập úng, rút nước muộn xong gặp nắng nóng gây ra hiện tượng vàng lá, thối nhũn, khả năng hồi phục rất thấp. Tại xã Thanh Hà, có 375ha lúa chịu ảnh hưởng của bão, tuy xã đã huy động các máy bơm tiêu nước nhưng 1 số thôn như An Hòa do không có nơi để thoát nên lúa vẫn ngập chìm trong nước.

Bà Đỗ Thị Phấn hơn 70 tuổi, ở xóm Bến xã Thanh Bình (Thanh Liêm) cấy 1 sào ruộng để lấy thóc ăn, giờ đã bị bão xóa sổ mất một nửa, nửa còn lại bà đang phải tận lực chăm sóc. Tại cánh đồng mẫu trồng lúa 4 thôn (Lã làng, Lã núi, Ninh Tảo, Đạt Hưng) của xã Thanh Bình vụ này gieo cấy 32ha bằng giống khang, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Do được bơm tiêu kịp thời nên cả cánh đồng đã được an toàn, hiện nay bà con đang tập trung chăm sóc và dặm tỉa bổ sung.

Có thể thấy trên các ngả đường, xe chuyển bánh tới các xã vùng trũng của huyện Thanh Liêm như Thanh Hương, Thanh Nguyên, Thanh Lưu, Liêm Sơn… đâu đâu cũng thấy tàn dư của bão: cột điện đổ, lúa phất phơ, nước ngập trắng, cây hoa màu rập nát, ngả nghiêng.

 

* Huy động mọi lực lượng, giải pháp cứu lúa và hoa màu:

Ngay sau khi bão tan, các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, cùng các địa phương ra đồng cứu lúa và cây hoa màu. Phòng Trồng trọt; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục BVTV; Chi cục Quản lý chất lượng phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ nông nghiệp các huyện, Thành phố bám sát cơ sở, hướng dẫn theo yêu cầu từng thôn đội sản xuất hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa, cây màu kịp thời, đúng kỹ thuật. Các địa phương trong tỉnh khẩn trương tổng hợp diện tích bị thiệt hại báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Chính phủ để đề xuất hỗ trợ thiên tai cho nông dân khôi  phục sản xuất.

Huy động mọi máy bơm ngày đêm tiêu úng nước để khôi phục sản xuất kịp thời. Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị và hướng dẫn các địa phương: Phân loại diện tích lúa bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng. Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh, khoanh vùng tiêu cục bộ bằng máy bơm dầu. Tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu, nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng, thậm chí gây thối và chết lúa.

 Sau khi nước rút cần kiểm tra cụ thể từng ruộng, giống lúa để linh động tháo nước hay giữ nước cho lúa. Trong khi thoát nước nếu ruộng có rong rêu, bùn bám cần té nước lên lá lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt hơn sau ngập úng. Những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài không có khả năng hồi phục phải cấy lại ngay sau khi nước rút bằng cách tỉa từ những chân ruộng mới cấy, gieo thẳng không bị ảnh hưởng ngập úng, áp dụng phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên giảm lượng giống; nếu diện tích bị thiệt hại quá lớn cần khẩn trương làm mạ nền cứng với diện tích 5-6 m2/sào xong trước ngày 10/8, dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp IR352, PC6, HN6, NA2…

Sau khi tháo nước, thấy lá lúa lộ ra bà con nên phun ngay các chế phẩm như KH, ET, siêu lân, PennacP... với liều lượng như trong bao bì hướng dẫn, giúp cây phục hồi nhanh. Sau ngập úng lúa dễ bị bọ trĩ gây hại, cần kiểm tra và phun trừ kịp thời. Khi cây lúa đã hồi phục, những ruộng chưa bón hết phân thúc cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm né tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

Đối với diện tích lúa, màu bị ảnh hưởng nhẹ cần khuyến cáo các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm phân qua lá cho lúa, màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Đối với các loại cây màu, rau các loại, dưa, bí...khẩn trương thu gom cây trồng bị dập nát làm phân hữu cơ, làm sạch môi trường, sau đó chuẩn bị đất trồng giống rau bổ sung, hạn chế khan hiếm. Với diện tích cây ăn quả, nông dân cần tiến hành vệ sinh ruộng vườn, thu gọn những cây, cành bị đổ, gẫy, hoa quả bị rụng… để đảm bảo ruộng vườn thông thoáng; chống cho những cây bị đổ, gia cố gốc cây cho vững; phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho vườn cây ăn quả bằng các loại thuốc như: Validacin, Anvil... theo hướng dẫn trên nhãn mác.

Mai Huê 

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam