Trà Vinh: Ứng phó hạn, mặn bảo vệ cây trồng khi thời tiết, môi trường bất lợi

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn cùng các địa phương và người dân tập trung thực hiện biện pháp phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, độ mặn trên sông đang tăng cao để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng khác.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình nắng nóng và độ mặn trên các sông tăng cao đã xâm nhập sâu vào nhiều kênh mương thủy lợi đầu mối tại một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Khả năng khô hạn, thiếu nước tưới và mặn xâm nhập tại các vùng sản xuất nông nghiệp chưa hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân rất lớn.

Tại tỉnh Trà Vinh, hiện độ mặn đo được tại các sông, cửa cống thủy lợi từ 6–17‰. Tại cửa sông ở các vùng ngọt trong tỉnh độ mặn đã tăng 3–12‰ như: Vàm Cầu Quan trên địa bàn huyện Tiểu Cần độ mặn 3‰; Vàm Hưng Mỹ, huyện Châu Thành độ mặn 8‰; Vàm Trà Kha, huyện Trà Cú độ mặn 12‰.

Ông Lê Quang Răng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và vận hành đúng kịch bản “đóng, mở” các cống đầu mối; lấy nước vào khi độ mặn dưới 1‰ để tích nước và đóng cống khi độ mặn từ 1‰ trở lên để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt trong nội đồng phục vụ cho sản xuất.

Đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chủ động biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình nạo vét, đào mới kênh mương thủy lợi nội đồng; tháo dỡ các vật chướng ngại trên các kênh mương để khai thông dòng chảy.

Hiện ngành nông nghiệp Trà Vinh đang yêu cầu các huyện tập trung hỗ trợ nông dân chăm sóc diện tích gần 62.000 ha lúa Đông Xuân trong giai đoạn từ 15 ngày tuổi đến đẻ nhánh, làm đòng và gần 14.000 ha cây màu Đông Xuân  đảm bảo không thiếu nước tưới, không để mặn xâm nhập làm thiệt hại. Các huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 384 công trình thủy lợi nội đồng do địa phương quản lý./.

 Phúc Sơn

Bến Tre: Triển khai ứng phó với hạn mặn, sạt lở, triều cường

Ngày 16/2, tại cuộc họp báo cáo công tác phòng chống, ứng phó hạn mặn, sạt lở, triều cường, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó hạn mặn, sạt lở, triều cường nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai xảy ra.

Chủ tịch Trần Ngọc Tam cho biết, công tác phòng chống hạn mặn, triều cường, sạt lở đã được tỉnh Bến Tre chủ động triển khai từ giữa năm 2023. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tình hình thiên tai, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, diễn ra gay gắt nhất, khốc liệt nhất. Do đó, các địa phương không được chủ quan và tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền về độ mặn, tuyên truyền bà con sử dụng tiết kiệm nước ngọt để có đủ nước sử dụng trong đợt hạn mặn lần này.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn chức năng theo dõi, kịp thời báo cáo đề xuất về tình hình xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở. Riêng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện, kinh phí.

Chủ tịch Trần Ngọc Tam đề nghị các địa phương có kế hoạch gia cố đê bao, các điểm xung yếu. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, các nhà máy cấp nước của các đơn vị tư nhân tại các địa phương có kế hoạch cấp nước đảm bảo sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà máy nước nông thôn tăng cường phối hợp với các nhà máy nước tư nhân, Công ty cổ phần Cấp thoát nước của tỉnh đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân; đồng thời, thống nhất đắp đập để đảm bảo nước cho Trạm bơm nước thô Cái Cỏ (huyện Châu Thành)… Đặc biệt, việc vận hành các cống phải thật linh hoạt, tăng cường kiểm tra xử lý những vi phạm về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc gia cố đê bao, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường phòng chống hạn mặn, triều cường, sạt lở, có những giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre , để ứng phó với xâm nhập mặn, triều cường, thời gian qua, các ngành, các cấp, địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và các biện pháp khác nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Cùng với đó, ngành chức năng thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý…

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đã bắt đầu xâm nhập vào trong sông từ nửa cuối tháng 11 theo những đợt triều trong tháng. Từ tháng 12/2023, xâm nhập mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào các cửa sông chính.

Trên sông Cửa Đại, độ mặn 1‰ xâm nhập đến Ấp An Mỹ, xã An Khánh (huyện Châu Thành), cách cửa sông 52,5km. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 44,6km.

Trên sông Hàm Luông, độ mặn 1‰ xâm nhập đến Ấp Tiên Lợi - Tiên Chánh, xã Tiên Long (huyện Châu Thành) - Cồn Cái Gà, Ấp An Hòa, xã Long Thới (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 67km. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 53km.

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1‰ xâm nhập đến Ấp Bình Thanh – Bình An, xã Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 70km. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 50,5km.

Trước đó, vào các ngày 11-12/02/2024, triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn làm sạt lở một số nơi và ảnh hưởng đến sản xuất. Có hơn 139m bờ kè, bờ bao bị sạt lở, xói lở, hơn 127,5 ha đất sản xuất hoa màu, cây ăn trái, cây cảnh bị ảnh hưởng gây ngập úng./.

Huỳnh Phúc Hậu

Tiền Giang: Triều cường, xâm nhập mặn trên sông Tiền đang giảm

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, những ngày qua, triều cường và xâm nhập mặn trên sông Tiền đã giảm, đồng thời các biện pháp chủ động ứng phó của địa phương mang lại hiệu quả trong bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa khô hạn 2023 – 2024.

Ghi nhận của Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, trong ngày 20/2, độ mặn đo được tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) là 0,67 g/lít, giảm 0,48 g/lít so với ngày hôm trước và thấp hơn 0,02 g/lít so với cùng kỳ năm 2023; độ mặn đo được tại Vàm Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) là 0,4 g/lít, giảm 0,15 g/lít và độ mặn đo được tại công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) là 0,12g/lít, giảm 0,31 g/lít so với ngày 19/2.

Hiện nay, trong Vùng dự án ngọt hóa Gò Công các cống đóng ngăn mặn, trừ cống Xuân Hòa vận hành lấy nước khi có điều kiện (lấy gạn). Tổng lượng nước lấy gạn qua cống Xuân Hòa khoảng 400.000 m3/ngày. Mực nước đồng trên các kênh trục dao động từ +0,37 m đến +0,39 m.

Nhờ độ mặn giảm, cống ngăn mặn tại đầu các tuyến kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản tiếp giáp sông Tiền vận hành tự do, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho bà con.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, nhìn chung, nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh tại các vùng sản xuất trọng điểm tỉnh Tiền Giang cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong mùa khô hạn.

Trước đó, theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông, những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trùng với kỳ triều cường đầu tháng Giêng âm lịch cho nên nước triều kèm mặn lấn sâu vào phía thượng lưu sông Tiền. Vì vậy, mực nước triều cường tại các trạm vùng hạ lưu sông Tiền đã đạt đỉnh trong ngày 12/2, sau đó đang giảm nhanh theo triều.

Cùng với triều cường, trong ngày 13/2 vừa qua, độ mặn 0,52 g/l đã xuất hiện tại cầu Trường Chính trị (xã Trung An, thành phố Mỹ Tho), cách cửa sông Tiền 49 km, cao hơn 0,52 g/l so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, độ mặn tại đây đã giảm về mức 0,00 g/l. Do đó, Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang khuyến cáo các địa phương và người dân cần đề phòng ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp ven biển, ven sông, kênh rạch… ảnh hưởng đến sinh hoạt, cây trồng, hoa màu và nuôi trồng thủy sản ở các bãi, bè cá gần sông.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành, trong kỳ triều cường vừa qua một số khu vực ven sông Tiền bị ngập cục bộ trong thời gian ngắn, không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số xã, phường của thành phố Mỹ Tho như: xã Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, Thới Sơn, phường 9, phường 10, phường Tân Long bị ngập do triều cường. Sau khi đạt đỉnh, triều cường bắt đầu giảm dần và không còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống.

Đối với trà lúa Đông Xuân gieo sạ trên 45.000 ha hiện tại đang ở giai đoạn đẻ nhánh 980 ha, làm đòng 1.134 ha, trổ 10.313 ha, chín 30.717 ha. Do vậy, nhu cầu nước tưới tiêu không quá bức bách như trước. Trước mắt, nông dân địa phương đã thu hoạch đầu vụ được gần 2.000 ha, năng suất 7,1 tấn/ha và đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm trà lúa còn lại trong thời gian tới. Riêng đối với diện tích trên 84.000 ha vườn cây ăn trái, Tiền Giang đang khuyến cáo nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó hạn mặn, chăm sóc đảm bảo vườn cây phát triển bình thường, không để thiệt hại.

Ngay từ đầu mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản thực hiện xử lý rải vụ trên 4.750 ha vườn cây ăn trái những địa bàn khó khăn; trong đó, có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là cây trồng khác. Mục đích tránh thời điểm cây trồng khi mang trái lại bị ảnh hưởng hạn mặn sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường./.

 Minh Trí