Chính vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở bố trí các địa phương sử dụng nước tưới từ các hồ chứa và từ hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham - kênh chính Bắc bố trí lịch gieo sạ lúa bắt đầu từ ngày 15/5.

Với các địa phương sử dụng nước tưới từ hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham - kênh chính Nam bố trí lịch gieo sạ lúa bắt đầu từ ngày 20/5 - 31/5/2021.

Đồng thời, để lúa trổ từ ngày 15/7 - 31/7/2021, thu hoạch trước 31/8/2021, với những giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 95 ngày đến dưới 100 ngày, sạ từ ngày 15/5/2021; giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày, sạ từ ngày 20/5 đến 31/5/2021.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân nếu sử dụng giống lúa thuần cấp nguyên chủng hoặc giống cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao thì lượng giống gieo sạ khoảng 80kg/ha; còn những địa phương có sử dụng giống lúa lai thì lượng giống gieo sạ tùy thuộc vào khuyến cáo của từng giống lúa lai cụ thể.

Cùng với đó, để có một mùa vụ bội thu, nông dân cũng cần phải tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa, điển hình như trên cùng một cánh đồng liền vùng, liền thửa, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo người sản xuất (nông dân) chỉ nên sử dụng 1- 2 giống lúa trong cơ cấu, có cùng thời gian sinh trưởng để gieo sạ và xuống giống tập trung trong 1-2 ngày, nhằm tạo thuận lợi trong khâu làm đất, tưới tiêu, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, tạo được khối lượng sản phẩm đồng đều, tăng hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu thực hiện đúng lịch thời vụ, bón phân, chăm sóc đảm bảo theo quy trình để lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu được với các yếu tố bất lợi; nghiêm túc những chỉ dẫn, khuyến cáo của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh hại; chủ động theo dõi, diễn biến khí hậu thời tiết, nắm chắc quy luật phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại; tăng cường điều tra, dự tính dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những vùng thường xuất hiện ổ dịch để kịp thời phòng trừ, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh những yêu cầu trên, các địa phương phải tập trung chỉ đạo vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi ruộng để hoai mục chất hữu cơ, diệt sạch cỏ dại, các mầm mống sâu bệnh; vận động nhân dân ra đồng diệt chuột, đắp bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương nội đồng; gia cố các bờ đập, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ các công trình thủy lợi; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, như giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón phù hợp, tiết kiệm nước tưới, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “1 phải, 5 giảm”,… khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật sớm (từ khi gieo đến 25 ngày tuổi)…

Đặc biệt, Sở cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể, đối với những vùng hoàn toàn không chủ động nước tưới (đặc biệt là huyện miền núi) và không đảm bảo đủ điều kiện chuyển đổi sang cây trồng khác thì kiên quyết không gieo trồng vụ Hè Thu.

Đối với vùng không đủ nước tưới cho lúa nhưng vẫn đảm bảo cho cây rau màu ngắn ngày hoặc những vùng không còn nước tưới nhưng khai thác được nguồn nước khác bổ sung (nước ngầm, nước tận dụng hồ, đập, sông suối…), UBND cấp huyện nên chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn (ngô lai, lạc, đậu xanh, mè, rau các loại như dưa, cà, khổ qua, bí…) vừa đảm bảo được nguồn nước tận dụng vừa đảm bảo hiệu quả trong sản xuất tương đương hoặc cao hơn sản xuất lúa.

Hơn nữa, vùng có tưới khi chuyển đổi sang trồng cây màu, tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng có hiệu quả cao như ngô lai, rau đậu các loại… Trên vùng đất lúa chuyển đổi, cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước, tránh tình trạng “da beo” đan xen lúa - màu.

Ngoài ra, khuyến cáo người dân lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác của từng vùng và phải có thị trường tiêu thụ ổn định; áp dụng các công thức luân canh, xen canh cho phù hợp với từng vùng; khuyến khích nông dân thi đua xây dựng nhiều cánh đồng canh tác có giá trị sau thu hoạch từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Sở lưu ý các địa phương cần vận dụng cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã… nhất là liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất để xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định, bền vững thông qua việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn.

Riêng các sản phẩm truyền thống, nếu loại cây trồng chuyển đổi nào có nhu cầu nội địa cao, cần quy hoạch tạo vùng nguyên liệu lớn, địa phương cần có chính sách hỗ trợ để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, máy làm đất, thu hoạch; những sản phẩm rau đậu các loại, cần chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn chất lượng, xây dựng các vùng rau trọng điểm đạt tiêu chuẩn VietGAP./.

Lê Phước Vĩnh Trọng

TTXVN