Theo thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơ bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp, ước tính là 40 tỷ đồng. Cụ thể, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 14.000 ha hoa màu; trong đó, diện tích lúa là trên 12.000 ha; cây ăn quả trên 1.800 ha; cây rau màu gần 500 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Đứng bên vườn chuối rộng gần 2 mẫu của gia đình bị gãy đổ hoàn toàn, ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, bần thần kể, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận bão đổ vào Hưng Yên lại lớn như vậy. Hầu như toàn bộ gần 20 ha chuối của hợp tác xã tan hoang chỉ trong một đêm. Không có chuối, gần 20% diện tích nhãn của hợp tác xã (30 ha) cũng bị bật gốc hầu như không thể khắc phục được. Chắc chắn, năm nay hợp tác xã "trắng tay" vụ chuối, còn sản lượng nhãn năm 2025 sẽ giảm đáng kể.
Ông Mý chia sẻ thêm, gần hai mẫu chuối của gia đình đã được thương lái đặt mua với giá 150 triệu đồng và họ đã đặt cọc 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn có khoảng 40 cây nhãn hương chi bị bật gốc, giờ trồng lại cũng rất mất nhiều công. Ước tính thiệt hại của gia đình là hơn 200 triệu đồng.
"Nhìn những buồng chuối non nằm ngổn ngang ăn cũng chẳng được mà bán cũng chẳng ai mua mà xót xa", ông Mý nói.
Cách nhà ông Mý không xa, ông Trần Văn Quân, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cũng phải huy động thêm người để chặt những buồng chuối còn sót lại sau bão với hi vọng bán được đồng nào hay đồng đấy.
Ông Quân chia sẻ, xã Tân Hưng nằm ở ven sông nên đất đai màu mỡ nên rất thích hợp cho việc trồng chuối và cây ăn quả. Đặc biệt, những năm trở lại đây chuối bán rất được giá, nhất là chuối Tết nên người dân ai nấy cũng phấn khởi. Riêng gia đình ông trồng trên 2 mẫu, dự tính sẽ cho thu hoạch khoảng 250 triệu đồng.
Ông Quân buồn rầu nói, giờ chặt bỏ cũng mất nhiều công sức, tốn kém mà thay thế các cây mới lại không kịp cho vụ Tết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, hiện tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát trển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, mực nước trên sông và kênh trục nội đồng, công tác phục vụ tiêu thoát nước, tình hình úng, ngập, an toàn công trình thủy lợi, đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống mưa úng và sự cố công trình.
Cùng đó, Sở chủ động đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên vận hành tối đa công suất các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước bảo vệ tài sản, cây cối, hoa màu, nhất là diện tích rau màu, hoa, cây cảnh diện tích đang thời kỳ trỗ bông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị; tổ chức trực ban 24/24 giờ, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thiệt hại do bão lũ, mưa lớn, ngập úng../.
|
|
Nhiều diện tích ngô của thành phố Hưng Yên bị gãy đổ |
Quang Nhiều