Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thái Bình có 14.519 ha; trong đó, diện tích thủy sản nước mặn là 2.375 ha, 3.625 ha nước lợ, 8.519 ha nước ngọt, diện tích sản xuất giống thủy sản 594 ha. Ngoài ra, nông dân các huyện còn nuôi cá lồng trên sông với 525 lồng, thể tích 58.989 m3. Mấy ngày qua liên tục có mưa, mặc dù không xảy ra hiện tượng ngập lụt nhưng cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm, ngao, cá và các loại thủy sản khác.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình cho biết: Mưa làm cho các yếu tố môi trường gồm: nhiệt độ, pH, độ kiềm, khoáng chất... thay đổi đột ngột dẫn đến gây sốc cho tôm nuôi. Mưa lớn gây nên hiện tượng phân tầng nước (nước mặn dưới, ngọt trên), nhiệt độ tầng đáy tăng cao do hoạt động của thủy sản nuôi và các động vật trong nước cùng quá trình phân hủy các chất hữu cơ gây thiếu ô xy tầng đáy dẫn đến tôm chết. Đối với diện tích nuôi cá, mưa khiến cho môi trường ao, đầm nuôi thay đổi đột ngột; đặc biệt, nước mưa có tính axit kết hợp với lượng phèn trên bờ chảy xuống ao nuôi làm cho độ pH của nước giảm thấp đột ngột, dẫn đến cá nuôi yếu, một số đối tượng cá bị nổ mắt. Riêng đối với diện tích nuôi thả ngao của nông dân ven biển, nếu mưa trong đợt nắng nóng kết hợp với thời gian phơi bãi kéo dài (trên 6 giờ/ngày) sẽ gây sốc cho ngao. Hiện nay đang trong chu kỳ nước cường nên mưa không ảnh hưởng lớn, song nếu bão vào thời điểm nước kém thì sóng sẽ đánh vùi lấp ngao nuôi. Điều đáng lo ngại nhất đối với bà con nông dân nuôi cá lồng là nếu mưa lũ xảy ra, tốc độ dòng chảy nước sông nhanh, khi nước chảy mạnh dồn ép cá vào góc lồng kết hợp độ đục tăng cao làm cho cá sặc bùn, khó hô hấp, nếu thời gian kéo dài làm cá yếu, gây chết. Những yếu tố bất thuận đó nếu không có biện pháp xử lý sớm sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi trồng thủy sản.

Nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, và tránh thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão, Chi cục Thủy sản đã có Công văn đề nghị các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.  "Các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch các đối tượng thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm; gia cố lại bờ ao, đầm và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát thủy sản nuôi. Trước và sau khi mưa, nông dân thực hiện ngay việc rải vôi xung quanh bờ, kết hợp hòa nước tạt đều khắp mặt ao để ổn định nồng độ pH. Thường xuyên bổ sung chế phẩm sinh học để ổn định môi trường ao nuôi, tăng thời gian sục khí tránh hiện tượng phân tầng nước gây thiếu ôxy tầng đáy, bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Đặt lưới chắn hình chữ V tại cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước, tránh tôm cá thoát ra ngoài khi có mưa lớn xảy ra. Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, trong thời gian mưa lớn cần duy trì việc xả tràn nước ngọt tầng mặt.

Sau mưa, bão nông dân tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời bổ sung các khoáng chất, men tiêu hóa tránh hiện tượng tôm mềm vỏ. Các chủ nuôi cá lồng, bè trên sông khẩn trương gia cố lại lưới lồng, hệ thống dây neo, phao lồng, đặt tấm lưới mắt dày phía đầu lồng để hạn chế tốc độ dòng chảy hoặc di chuyển lồng, bè nuôi vào nơi ít chịu ảnh hưởng của sóng, gió, nơi có dòng chảy nhẹ. Trong thời gian bão, lũ bà con giảm hoặc dừng cho cá ăn; sau bão, lũ kịp thời bổ sung vitamin C, thuốc thú y thủy sản trộn vào thức ăn để phòng, trị bệnh cho cá."

Với quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng và phương tiện nuôi trồng thủy sản cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương thực hiện phương án sơ tán người dân tại các chòi canh coi thủy sản trên sông, trên biển; di chuyển dụng cụ, thiết bị, vật tư, thức ăn chăn nuôi vào nơi an toàn trước khi có lũ, bão xảy ra.

Theo Báo Thái Bình