Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Giang như các huyện Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Sơn Động… đã xuất hiện hàng trăm hộ nông dân có thu nhập cao nhờ phát triển nghề trồng nấm ứng dụng công nghệ cao. Theo quy trình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao, nấm giống được bà con mua tại Trung tâm Giống nấm Bắc Giang. Đây là những bịch nấm giống được chứng nhận đảm bảo an toàn, chất lượng. Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô, thân cây keo... được tận dụng từ quá trình sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ các nguyên liệu này được trộn với nước vôi hoặc cho vào lò hấp khử trùng nguyên liệu. Trong quá trình trồng nấm, các loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đều bị cấm sử dụng. Lượng phân bón cũng chỉ ở mức vừa đủ. Riêng với nấm mỡ và nấm sò, suốt toàn bộ quá trình, bà con chỉ bón thúc một lần với đạm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sau thời gian khoảng 3 tháng, nấm sẽ được thu hoạch và đưa vào sơ chế, đóng gói thành phẩm. Trong quá trình này, người sản xuất luôn đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ, tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Vinh Thúy là một trong những hộ tiên phong trong phát triển trồng nấm ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Trên diện tích khoảng 4.000m2, ông Thúy mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để trồng nấm ứng dụng công nghệ cao. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên sản phẩm nấm thành phẩm thu được luôn bảo đảm chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi tháng ông Đỗ Vinh Thúy và gia đình thu được khoảng hơn 20 triệu đồng từ tiền bán nấm các loại.

Cũng tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, sau khi được sự hỗ trợ chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh, anh Đồng Văn Điệp đã đầu tư cơ sở trồng nấm với diện tích khoảng 5.000m2, trong đó 700m2 là nhà xưởng. Trung bình mỗi vụ, anh Điệp đã đưa vào sản xuất trên 300 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ… và thu về trên 1 tỷ đồng/năm.

Một góc cơ sở trồng nấm ứng dụng công nghệ cao của ông Đỗ Vinh Thúy ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang)

Tìm hiểu được biết, theo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”, Bắc Giang xác định nấm là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, Sở đã chuyển giao cho người dân nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất nấm như công nghệ nhân giống hạt, que; công nghệ trồng nấm an toàn... Từ nay đến năm 2020, với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và huy động đóng góp từ nhân dân, tỉnh Bắc Giang phấn đấu sẽ xây dựng 12 mô hình cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu (trong đó 5 mô hình hợp tác xã, 7 mô hình sản xuất nấm ứng dụng CNC).

Đặc biệt đến nay, trồng nấm ứng dụng công nghệ cao chỉ là một trong số hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, toàn tỉnh Bắc Giang hiện đã xây dựng được hơn 50 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, riêng năm 2018, toàn tỉnh xây dựng 26 mô hình. Tiêu biểu như 22 mô hình rau, nấm trồng trong nhà lưới, nhà màng với diện tích 41.178 m2; Các mô hình tưới tiết kiệm, mô hình rau thủy canh, mô hình tưới nhỏ giọt cho chè, mô hình phun mưa tự động; Mô hình trồng vải thiều theo phương pháp hữu cơ; Các mô hình nuôi lợn sạch, lợn hữu cơ với chuồng kín, hiện đại...

Qua kiểm tra, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Hiện đang có khoảng 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Bình quân thu nhập ước đạt 300 triệu đồng/mô hình/năm, lợi nhuận kinh tế mang lại cho nông dân cao gấp 3 - 5 lần so với sản xuất thông thường.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều khó khăn. Nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ. Ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn thực hiện rất lớn; gắn chặt với định hướng của thị trường tiêu thụ. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ hoàn thiện những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả; thu hút, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, quan tâm triển khai các phương án xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bảo đảm đầu ra cho nông dân yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững./.

Tạ Quang Đạo