Tham dự hội thảo có 209 đại biểu, trong đó 140 đại biểu là nông dân đến từ 5 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ của cả nước, trong đó hình thức nuôi tôm - lúa đang phát triển nhanh. Năm 2018 diện tích nuôi tôm - lúa các tỉnh ĐBSCL đạt 185.000 ha, nhiều nhất là ở Kiên Giang, tiếp đến là Cà Mau, Bạc Liêu. Đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra tôm càng xanh hỗn hợp giới tính, tôm càng xanh toàn đực, cua biển cũng được nhiều hộ nông dân thả xen ghép trong hệ thống tôm lúa. Các giống lúa đang được trồng phổ biến ở vùng tôm lúa là: các giống ST, Một bụi đỏ, Nàng keo, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677…

Hình thức nuôi tôm - lúa ngày càng phát triển nhanh tại ĐBSCL

Nuôi tôm - lúa là hình thức nuôi trồng được đánh giá là mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ. Tuy nhiên, mô hình canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Đa phần mô hình nuôi tôm - lúa phát triển ở nội đồng, vào mùa nắng thiếu nước, mùa mưa thì ứ đọng nước. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như nguồn giống, hạ tầng thủy lợi;... cũng ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình.

Tham luận tại diễn đàn, bà Châu Thị Tuyết Hạnh (Tổng cục Thủy sản) cho biết, định hướng phát triển bền vững tôm lúa theo hướng phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và phù hợp với quy hoạch phát triển tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2020, tầm nhìn 2030; Phát triển nuôi tôm ở những vùng bị xâm nhập mặn, vùng chuyên canh lúa kém hiệu quả với hình thức nuôi tôm và trồng lúa phù hợp với từng vùng sinh thái; Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thủy lợi đầu mối để điều tiết, cấp thoát nước phù hợp với nuôi tôm, trồng lúa; Phát triển công nghệ, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm và trồng lúa tại những vùng có điều kiện thuận lợi phát triển thành các vùng nuôi tôm lúa bền vững.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh – lúa kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ tại hộ ông Trương Văn Tự (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Mô hình đạt năng suất bình quân khoảng 300 - 500 kg tôm và 4 - 7 tấn lúa trên 1 héc-ta. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 - 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa). Mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Sau xử lý, rơm rạ được phân huỷ nhanh hơn, có tác dụng khử chua, hạn chế hiện tượng các chất độc sinh ra làm bẩn nguồn nước nuôi tôm, tạo nguồn thức ăn sẵn có cung cấp cho tôm nuôi được tốt hơn, giúp tăng hiệu quả kinh tế mô hình.

Ông Trương Văn Tự (người đứng) chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa

Trong phần thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia đã giải đáp thỏa đáng 37 câu hỏi tập trung vào các vấn đề như: kỹ thuật nuôi tôm lúa, sử dụng men vi sinh, xử lý môi trường, cải tạo mương, ao nuôi, bệnh tôm và cách phòng trị bệnh..

Tổng kết Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:

- Với các cơ quan quản lý: Cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; quy hoạch vùng nuôi; Quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, an toàn thực phẩm; Tiếp tục bổ sung kinh phí xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn thực phẩm; Xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp.

- Với các cơ quan nghiên cứu: Tiếp tục nghiên cứu để tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh; Nghiên cứu nhiều mô hình hay, mới, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho nông dân.

- Với cơ quan chuyển giao: Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, Hợp tác xã, các Doanh nghiệp cần xây dựng chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhiều người làm theo.

Ông Nguyễn Công Thành - Giám đốc TTTH & CGCNNN vùng ĐBSCL hướng dẫn với bà con nông dân cách nhận biết bệnh tôm tại Diễn đàn

- Các cơ quan thông tấn báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin tuyên truyền về các mô hình mới, hiệu quả và phát triển bền vững để cho bà con học tập và nhân rộng.

- Để nuôi tôm - lúa hiệu quả và bền vững, bà con nông dân cần thiết kế hệ thống ao nuôi đồng bộ, đảm bảo nguồn nước nuôi, độ dốc ao phù hợp; Lựa chọn con giống tốt: mua ở cơ sở uy tín, được kiểm định, kích cỡ đều nhau; Tạo thức ăn tự nhiên; Quản lý môi trường nuôi, duy trì hệ vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học; Tăng sức đề kháng cho tôm bổ sung vitamin, thảo dược; Quản lý thức ăn tốt cho ăn đúng liều lượng… Ngoài ra, nên tham quan trước khi làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới; làm từ nhỏ đến lớn; ghi chép sổ sách nhật ký, rút kinh nghiệm; chủ động, sáng tạo.

Nguyễn Nhung

Ảnh: Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia