Từ thực tiễn sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản tại Hải Phòng nói chung và huyện Kiến Thụy nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm nông sản có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm ít về chủng loại, quy mô liên kết nhỏ lẻ, manh mún; xuất hiện tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá; tình trạng “phá vỡ” hợp đồng giữa các doanh nghiệp và bà con nông dân đã xảy ra… dẫn đến mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thiếu bền vững; HTX Thụy Hương đã chủ động xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Kiến Thụy.

Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hữu cơ  (lúa – rươi) được HTX thực hiện với quy mô 54 ha năm 2018 và được mở rộng quy mô 100 ha tại xã Ngũ Phúc, 30 ha tại xã Kiến Quốc năm 2019. Ở mô hình này, HTX cung cấp dịch vụ trọn gói cho bà con nông dân trong vùng nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con làm ra. Dịch vụ cung cấp bao gồm hạt giống, thuốc BVTV, phân bón ngay từ đầu vụ không tính lãi suất trong vòng 120 ngày, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật thông qua lực lượng “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) tại cơ sở. Lúa được thu mua tươi ngay sau khi gặt được đưa về HTX để tiến hành sấy bằng hệ thống máy sấy tháp mới nhất. Qua đó giúp bà con nông dân tránh được nỗi lo mưa nắng trong quá trình phơi thóc và đảm bảo được chất lượng của sản phẩm “Gạo Ruộng rươi” của HTX.

Với giá bán trung bình là 9.000 đồng/kg lúa tươi, năng suất trung bình từ 33 - 35 tạ/ha, thu nhập từ nguồn sản phẩm lúa ruộng rươi đạt từ 29,7 - 32 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2 – 3 lần so với sản xuất lúa thông thường, do quá trình canh tác giảm đáng kể các chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm bón... Chỉ tính riêng năm 2018, sản lượng lúa vùng rươi HTX Thụy Hương đã thu mua được 50 tấn. Sản phẩm “Gạo ruộng rươi” của HTX đã có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố, là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện.

Trước tình hình bỏ ruộng hoang của nông dân có xu hướng gia tăng, các thành viên HTX đã tiến hành tích tụ ruộng đất thông qua việc hợp đồng thuê lại ruộng của các hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất với giá thuê 150.000 đồng/sào trong 2 năm đầu và 200.000 đồng/sào trong 3 năm tiếp theo (có sự xác nhận của chính quyền địa phương). Sau khi thuê lại ruộng đất, HTX tiến hành áp dụng cơ giới vào sản xuất từ khâu làm đất cho đến khi thu hoạch. Đến nay, HTX đã tích tụ được 26 ha tại 2 xã Hữu Bằng và Ngũ Phúc. Trên diện tích đất đã được tích tụ, HTX tiến hành sản xuất lúa chất lượng, cấy lúa, kết hợp nuôi cá. Toàn bộ sản phẩm thu được đều được ký hợp đồng tiêu thụ, không có tình trạng tồn đọng nông sản hàng hóa sau khi thu hoạch. Giá trị sản xuất của mô hình này đạt từ 70 – 100 triệu/ha/năm, cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa thông thường.

Bên cạnh các sản phẩm lúa, gạo, HTX còn tổ chức thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm cây rau màu: khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ… Vụ Đông 2019, HTX sẽ tiếp tục tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây rau màu trên địa bàn huyện Kiến Thụy, góp phần mở rộng diện tích cây vụ đông, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân.

Với định hướng hoạt động rõ ràng, HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã có những đóng góp không nhỏ trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nguyễn Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng