Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày 3 báo cáo khoa học. Theo Ông Nguyễn Xuân Kiều – Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi Miền núi Phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước tưới là vấn đề mà người nông dân hiện nay đang gặp phải hàng ngày, hàng giờ. Chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh.

Ông Kiều lấy ví dụ, qua nghiên cứu, để sản xuất ra 1 ly cà phê, người nông dân cần đến 140 lít nước từ khi bắt đầu cho đến khi thu hoạch. Để có 1 kg cà phê hạt, nhà nước phải bù lỗ 1.000 đồng để cấp nước còn người dân phải đầu tư thêm 3.000 đồng. Chi phí sản xuất cao kéo theo giá cà phê của Việt Nam cao nên khả năng cạnh tranh thấp. Nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

ThS Lê Xuân Kiều Phát thuyết trình tại Hội thảo

Ông Trần Đại Nghĩa (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết: Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm thích ứng tốt hơn với BĐKH với các biện pháp công trình như các hệ thống thủy lợi, hồ đập. Tuy nhiên, những giải pháp như: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng tốt hơn với các điều kiện thời tiết bất thường…. lại chưa được đầu tư nhiều. Để tiến hành các biện pháp thúc đẩy áp dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu, phát triển mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái cần được quan tâm, chú trọng. Và vấn đề bây giờ làm sao để nhân rộng các giải pháp một cách hiệu quả để nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

TS Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2014, Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) được triển khai tại 7 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam. Trong đó hợp phần 3 “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” của dự án sẽ xây dựng một số mô hình gồm: mô hình thâm canh bền vững, sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn (lúa, cây ăn quả) và mô hình sản xuất hàng hoá giá trị cao, thâm canh bền vững đa dạng các loại cây trồng cạn, chuyển đổi sử dụng đất lúa một cách linh hoạt.

Mục đích của hợp phần nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hành bền vững (ICM, SRI, ICM...), nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, kết nối được thị trường trong sản xuất; Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên hệ thống canh tác đất cây trồng cạn, đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu thị trường cho từng loại cây màu, mùa vụ canh tác và xây dựng chuỗi giá trị; Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu, giảm thiểu tồn dư độc hại đối với sản phẩm sau thu hoạch; Phát huy thế mạnh, lợi thế nông sản, đặc sản ở các vùng miền để tạo giá trị thu nhập cao cho người dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Dự án triển khai tốt sẽ giúp ngành nông nghiệp vươn tới phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia