Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án nêu cụ thể nội dung đến từng huyện, tiểu vùng khí hậu tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế… trong đó cây nguyên liệu dệt may là một trong những sản phẩm tiềm năng phát triển; cùng với việc mấy năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ tằm có sự biến động tăng, giống cây dâu và tằm giống được các nhà nghiên cứu lựa chọn cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, sự đổi mới về liên kết sản xuất, giá thu mua sản phẩm ổn định đáp ứng được ngày công người lao động đã tạo động lực thúc đẩy phong trào trồng dâu, nuôi tằm trở lại và ngày càng mở rộng trên địa bàn tỉnh.

Người tiên phong khôi phục diện tích trồng dâu

 Chị Vương Dự Đình, sinh năm 1985 - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Phương Đình hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông sản trên địa bàn. Đến tháng 5/2023, HTX đã đổi tên thành Hợp tác xã Dâu tằm tơ Phương Đình và đặt trụ sở tại xóm 8 xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang để thuận lợi cho việc giao dịch và chỉ đạo sản xuất. Chị Đình cho biết: Sau những năm buôn bán với các đối tác, nhận thấy việc phát triển trồng dâu, nuôi tằm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững nên chị đã chuyển hướng đầu tư vào chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng trồng dâu, nuôi tằm.

Từ những phương thức liên kết chi tiết, minh bạch và cụ thể nên ngay trong năm 2023, HTX đã triển khai liên kết trồng mới bằng giống dâu Quế ưu 6, Quế ưu 12, SH7 được 12 ha, trong đó: huyện Yên Sơn 8 ha và huyện Sơn Dương 4 ha, nâng tổng diện tích cây dâu tằm liên kết với HTX là 39 ha. Bước sang năm 2024, HTX Phương Đình tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, xã thực hiện chương trình tái cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương. Hình thành và phát triển bền vững vùng trồng dâu và nghề nuôi tằm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã, dự kiến tiếp tục trồng mới từ 25 ha trở lên tại các xã Tân Long (10 ha), xã Kim Quan (10 ha) thuộc huyện Yên Sơn và xã Trung Yên (06 ha), huyện Sơn Dương để hình thành vùng sản xuất tập trung có quy mô diện tích đạt trên 65 ha; phấn đấu năng suất kén đạt trên 2,5 tấn kén/ha dâu/năm; sản lượng kén đạt 162,5 tấn. Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 14,25 tỷ đồng trong năm 2024.

Phương thức đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ sản phẩm

Xác định rõ hướng đi nhằm phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm lâu dài và bền vững trên địa bàn, HTX dâu, tằm tơ Phương Đình đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà nuôi tằm với quy mô diện tích 150m2, công suất nuôi 200 vòng trứng/lứa; sử dụng giống tằm lưỡng hệ để ươm nuôi tằm từ tuổi 1 đến tuổi 3 (khoảng 12 ngày tuổi) sau đó mới cung cấp cho các hộ nuôi tằm lớn nhằm đảm bảo nguồn cung cấp tằm giống cho sản xuất với chất lượng cao, sạch bệnh. Sau khi nhận tằm giống các hộ trong chuỗi liên kết nuôi thêm khoảng 12 - 14 ngày là kết thúc một lứa tằm. Đây là khâu quyết định tới toàn bộ kế hoạch và hiệu quả kinh tế đem lại của quá trình chăn nuôi con tằm.

Trong năm 2023, HTX Dâu tằm tơ Phương Đình có 26 hộ liên kết trồng dâu, nuôi tằm với tổng số vòng tằm nuôi 3.549 vòng, sản lượng kén thu được 46.137 kg (trung bình 13 kg kén/vòng) với giá bán dao động từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/kg (trung bình 150.000 đồng/kg). Tổng doanh thu thuần đạt trên 6,9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 340 triệu đồng/ha, tương đương 11 triệu đồng/sào/năm.

leftcenterrightdel
Các hộ gia đình, cá nhân trong chuỗi kiên kết cần nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ nội dung trong hợp đồng đã ký kết 

Trong chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất đầu xuân năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đến thăm mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm của một số hộ tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn và xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, được nghe các hộ báo cáo kết quả bước đầu của mô hình cùng với nỗi niềm trăn trở, nguyện vọng của bà con trực tiếp trồng dâu nuôi tằm, trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ với HTX Phương Đình. Qua trao đổi, nhận thấy mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm có suất đầu tư thấp (trồng dâu 1 lần, thu lá được trên 10 năm), tận dụng được tối đa nhân lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, để mô hình ngày càng nhân rộng và bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã động viên khích lệ các hộ gia đình, cá nhân trong chuỗi kiên kết cần nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ nội dung trong hợp đồng đã ký kết; tận dụng đất đai, tập trung nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng, chăm sóc, thu hái lá dâu chăn tằm theo hướng dẫn của HTX Dâu tằm tơ Phương Đình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kén tằm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp./.

Nguyễn Mạnh Tường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang