Điều quan trọng hơn, các thành viên trong tổ đã tạo được liên kết với đơn vị thu mua tơ và cung cấp con giống chất lượng tốt, giá cả ổn định. Đặc biệt, tổ đã xây dựng được 37 triệu đồng tiền quỹ, hiện đang hỗ trợ cho 9 thành viên trong tổ vay để đầu tư sản xuất giống dâu, nhập giống tằm và mua sắm dụng cụ sản xuất. Các thành viên trong tổ thường xuyên liên lạc với nhau để có thể kịp thời hỗ trợ nhau khi tằm có những biểu hiện bất thường, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những thành viên mới.

Trước khi đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm gia đình anh Nguyễn Văn Giang độc canh hơn 2 ha cà phê. Nhưng do vườn cà phê đã già cỗi cho năng suất thấp đến năm 2016 anh đã quyết định nhổ bỏ trồng mới trên 70% diện tích cà phê già cỗi. Trong những năm chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, cà phê lại chưa có thu nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Qua tiếp xúc và nói chuyện với anh, tôi nhận thấy anh là một người nông dân ham học hỏi, không ngừng tìm tòi những mô hình mới để phát triển kinh tế cho gia đình.

Lúc đầu anh tận dụng đất sình, xung quanh bờ ao (tổng diện tích khoảng 0,5 ha). Thông qua Tổ hợp tác dâu tằm anh được hỗ trợ về giống dâu, về dụng cụ nuôi và quan trọng là các thành viên trong tổ hợp tác đã tạo được liên kết với đơn vị thu mua tơ và cung cấp con giống chất lượng tốt, giá cả ổn định. Các thành viên trong Tổ thường xuyên liên lạc để có thể kịp thời hỗ trợ nhau khi tằm có những biểu hiện bất thường, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những thành viên mới. Theo cách tính toán của anh hiệu quả kinh tế từ một hộp giống tằm như sau: giống tằm 1 hộp (tuổi 3) với giá hiện tại 1.100.000 đồng cộng với thuốc bổ, thuốc phòng và trị bệnh với giá 500.000 đồng thành tiền 1.500.000 đồng; công chăm sóc hàng ngày 10 công/1 hộp với giá 250.000 đồng/công thành tiền 2.500.000 đồng. Tổng chi phí cho một hộp là 4.100.000 đồng.

Một lứa anh nuôi 2 hộp thu được 100kg kén, giá bán 180.000 đồng/kg thành tiền là 18.000.000 đồng, tổng chi phí của 2 hộp là: 2 hộp x 4.100.000 đồng/1 hộp = 8.200.000 đồng. Lợi nhuận thu về 1 lứa gần 10.000.000 đồng. Như vậy, một năm anh nuôi khoảng 5 lứa thu về khoảng 50.000.000 đồng.

leftcenterrightdel
 Anh Giang đang khử trùng các dụng cụ trước khi nuôi tằm

Gia đình ông Phạm Xuân Trường, trú tại thôn Phú Hòa, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là một trong những thành viên tham gia Tổ hợp tác nuôi tằm thôn Phú Hòa với 1,5 ha dâu nuôi tằm. Phát huy lợi thế như đất màu mỡ, giống dâu siêu lá (S7-CB) năng suất cao nên ông Trường chọn cách nuôi tằm gối đầu.

Dựa vào lượng lá dâu sẽ thu hoạch được từng đợt để thuận lợi cho việc chăm sóc, ông Trường nhập giống tằm về nuôi, cứ đợt trước cách đợt sau từ 5 - 7 ngày. Với diện tích dâu này, mỗi đợt nuôi, ông nhập từ 2 - 3 hộp giống. Sau 15 ngày, ông Trường thu bình quân 145 kg kén. Với giá kén 180.000 đồng/kg, ông Trường thu về trên 26 triệu đồng mỗi đợt nuôi.

Ông Trường chia sẻ: Trong 15 ngày nuôi mỗi lứa tằm thì có 5 ngày vất vả, còn lại thì cứ cho ăn đúng giờ là được. Do thời gian nuôi mỗi lứa ngắn nên thu hồi vốn nhanh, giá kén tốt đã mang lại nguồn lợi nhuận cao cho người nuôi.

Ông Trần Văn Dinh, Tổ trưởng Tổ trồng dâu, nuôi tằm thôn Phú Hòa cho hay, với giá giống tằm và giá kén như hiện nay, trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, giúp người chăn nuôi có nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi ngày, người nuôi tằm thu nhập khoảng 300 - 500 ngàn đồng. Trong thời gian tới, Tổ tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ các thành viên về vốn và kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả của nghề này. Trước những thuận lợi cơ bản đã nêu, các thành viên trong tổ đang mở rộng diện tích trồng dâu, để mở rộng quy mô nuôi tằm.

Trịnh Đình Thâng

Trung tâm KN và GNLN tỉnh Đắk Nông