Về thăm Nậm Đét những ngày này chứng kiến những đổi mới to lớn đang diễn ra, khi xã Nậm Đét vừa đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nổi bật chính là diện mạo nông thôn mới với những thôn bản trù phú, những ngôi nhà xây cao tầng, những đồi quế xanh ngát, tỏa hương thơm nồng … thể hiện sự no ấm đang hiện hữu trên mảnh đất vùng cao này. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ dân tộc Mông, Dao, thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và  thực hiện hiệu quả mô hình nhà sạch, vườn đẹp.

Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm 2013, mô hình nhà sạch, vườn đẹp được triển khai thí điểm ở xã tại 2 thôn Nậm Đét và Nậm Bó, với các tiêu chí như: sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp; sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; bố trí không gian nhà ở hợp lý; các công trình phụ trợ đảm bảo mỹ quan, tiện lợi, không ảnh hưởng đến cộng đồng; khuyến khích sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; sử dụng thực phẩm an toàn; thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định; quy hoạch và xây dựng hệ thống tường rào hợp lý; trồng cây xanh, rau màu đảm bảo xanh, sạch, đẹp và đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã thành lập được 8 mô hình tại 8 chi hội của 8 thôn. Bà Sùng Phà Sủi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: "Trong năm 2019, chung sức giúp địa phương về đích xã nông thôn mới, Hội phụ nữ xác định tiếp tục củng cố mô hình, huy động thêm 245 hội viên phụ nữ tham gia thành viên câu lạc bộ, nâng tổng số thành viên tại xã lên 448 thành viên/8 câu lạc bộ.  Mô hình Câu lạc bộ Nhà sạch, vườn đẹp trên địa bàn xã Nậm Đét đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ giúp cho chị em phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; giúp người dân cải thiện cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới".

Bên cạnh đó, Hội  Phụ nữ xã Nậm đét đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương. Hội đã tích cực vận động chị em chú trọng phát triển kinh tế gia đình với các hình thức như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tập trung phát triển cây quế, vườn quế hạnh phúc gắn với mô hình nhà sạch, vườn đẹp;  hỗ trợ giống, vốn, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động, cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nhằm tạo điều kiện phù hợp để chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt chú trọng triển khai mô hình "Cả chi hội giúp một hội viên nghèo có địa chỉ". Nhờ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà số hộ nghèo, đặc biệt số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm qua các năm. Trên địa bàn xã đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, đem lại thu nhập hàng năm từ 70 triệu đến trên 300 triệu đồng/năm từ phát triển cây quế, sắn gắn với dịch vụ nông nghiệp.

Chi hội Phụ nữ thôn Bản Lắp là điển hình tiêu biểu với 63 hội viên. Chi hội Phụ nữ thôn đã giúp đỡ gia đình hội viên nghèo Triệu thị Mấy bị khiếm khuyết, tàn tật  ổn đình đời sống, phát triển kinh tế, thoát nghèo thông qua việc quyên góp ủng hộ 40 triệu đồng, trong đó có 12 triệu đồng tiền mặt, 153 ngày công lao động, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ nguyên vật liệu, gạo, giống và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ thôn đã giúp nhau hàng trăm ngày công lao động, 17 triệu đồng tiền mặt, cây con giống. Điển hình trong phong trào là chị Triệu Thị Phấy, Đặng Thị Sếnh, Triệu Thị Mùi.

Qua phong trào này góp phần đưa Bản Lắp trở thành thôn đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã, đặc biệt gắn với thực hiện mô hình nhà sạch, vườn đẹp. Đến nay, các gia đình hội viên phụ nữ trong thôn đã trồng mới trên 200 ha cây quế. Từ trồng quế đã có nhiều hộ mua được xe ô tô, xây nhà cao tầng. Gia đình chị Triệu Thị Mùi, là hộ điển hình. Hiện gia đình chị Mùi có diện tích trồng quế nhiều nhất trong thôn, xã, với trên 10 ha quế, trong đó có 8 ha đang cho thu hoạch. Từ năm 2013 đến nay, quế trúng giá cao, mỗi năm gia đình chị Mùi thu trên 100 triệu đồng. Bước vào vụ thu hoạch quế năm 2019, gia đình chị Mùi đã thu hoạch tỉa, bán vỏ quế và thu trên 120 triệu đồng từ cây quế.

Phụ nữ Nậm đét vui mùa thu hoạch quế

Đặc biệt trong phong trào phát triển kinh tế ở xã Nậm đét đã có 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ mở đại lý, xưởng thu mua, tiêu thụ quế, chế biến gỗ. Nổi bật là gia đình chị Bàn Thị Líu, dân tộc Dao, ở thôn Nậm Đét. Hiện chị Líu đã là chủ Xưởng thu mua, chế biến và xuất khẩu quế Nậm Đét, với tổng thu nhập gia đình trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm theo thời vụ cho 10- 15 lao động địa phương, trung bình mỗi năm thu mua, xuất khẩu trên 200 tấn vỏ quế khô, tinh dầu quế ra thị trường các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và xuất khẩu sang Ấn Độ. Chị Líu chia sẻ; "Mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, xây dựng gia đình, lập nghiệp đều gắn bó với cây quế. Quế là nguồn thu chính của dân mình. Trước kia, việc tiêu thụ quế còn khó khăn do người dân bị tư thương bị ép giá. Nay gia đình mình mở xưởng thu mua, chế biến, xuất khẩu quế vừa giúp mình, vừa giúp bà con. Hiện, gia đình mình tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Techvina phát triển cây quế hữu cơ và đẩy mạnh thu mua, xuất khẩu vỏ quế khô cho người dân".

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội Phụ nữ xã Nậm Đét, không chỉ giúp chị em hội viên thay đổi tư duy, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, vệ sinh môi trường xanh, góp phần giảm nghèo bền vững, giúp xã Nậm Đét là xã thứ 4 của huyện Bắc Hà về đích nông thôn mới./. 

Tráng Xuân Cường

TT Văn hóa- Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai