Tham dự hội thảo có đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện, trường, doanh nghiệp, báo đài trung ương, địa phương và gần 70 nông ngư dân vùng ven biển hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Toàn cảnh hội thảo

Những năm gần đây, nghề nuôi đơn ốc hương rất phát triển, nhưng do lượng xả thải quá mức, phá vỡ quy hoạch, lạm dụng sử dụng hóa chất đã dẫn đến tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Để hạn chế ô nhiễm bằng cách tái sử dụng nguồn nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, các nhà khoa học đã sử dụng những loài động vật hai mảnh vỏ như vẹm xanh, tu hài..., các loài ăn lọc như hải sâm và rong biển - những loài có khả năng sử dụng chất thải để nuôi ghép. Trong hệ thống nuôi kết hợp này, các chất thải trong nước được lọc thông qua quá trình lọc nước của thủy sản nuôi, nhờ đó có thể hạn chế được sự ô nhiễm môi trường.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển thực hiện tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa với quy mô 2 ha, do hai hộ gia đình tham gia thực hiện. Mật độ ốc hương thả nuôi 50 con/m2, hải sâm 01 con/m2, rong nho 500 kg/ha. Các hộ dân trước khi triển khai và trong quá trình nuôi đều được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật. Kết quả sau 4 tháng nuôi, ốc hương đạt 150 con/kg, tỷ lệ sống trên 80%; hải sâm đạt 5-6 con/kg, rong nho đã thu tỉa được 1,5 tấn/hộ/ha.

Kiểm tra mô hình

Qua hội thảo và tham quan, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả của mô hình: hiệu quả kinh tế khá, môi trường nuôi được đảm bảo, dịch bệnh không xảy ra, người dân không phải sử dụng thuốc trong suốt quá trình nuôi. Ngoài ra, mô hình đã bước đầu tạo được liên kết với công ty sản xuất chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho người nuôi.

Mô hình thành công đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Khoa học và Công nghệ Phục vụ xây dựng nông thôn mới là tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác và phát triển bền vững. Vì vậy, nhân rộng mô hình là việc làm cần thiết để người dân có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Ngọc Quân

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia