Chương trình nhằm nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ các tổ chức kinh tế nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn như: tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa… gắn với các sản phẩm đặc trưng có quy mô làng xã. Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nghiệp nông thôn, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương.

Thông tin từ hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau năm 2023 cho biết: Hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, cả nước đã có hơn 10.810 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, của 5610 chủ thể OCOP, trong đó có gần 38% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp và hơn 35% là các cơ sở sản xuất - hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Tại đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 2.050 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên, với hơn 920 chủ thể OCOP, trong đó hơn 28% là doanh nghiệp, gần 19% là HTX xã và hơn 52% là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện nay, các địa phương trong vùng đã có những tiếp nhận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: trái cây, thủy sản, lúa gạo… để phát triển sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được các địa phương quan tâm triển khai. Cụ thể là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng đã được tổ chức, điển hình như các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, …

Tỉnh Cà Mau, sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay tỉnh Cà Mau đã có 145 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện nay, 42 sản phẩm OCOP đã được đưa vào hệ thống các siêu thị, liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh và có mặt tại các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Viettel (voso.vn), Lazada mall, Amazon, Alibaba… đặc biệt 100% sản phẩm OCOP của Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh Cà Mau (madeincamau.com).

Dù có những bước tiến nhưng các sản phẩm OCOP, nhưng các chủ thể OCOP hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ, nên năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế. Vì thế, các chủ thể OCOP cần có sự chủ động, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh và cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, bản thân các chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực quản trị, marketing và khả năng tham gia vào các kênh phân phối hiện đại. Vì vậy, sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử sẽ kết nối nhà mua, doanh nghiệp, hệ thống phân khối với các chủ thể OCOP vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, qua đó phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường ngày càng nhiều hơn, xa hơn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các chủ thể OCOP nghiên cứu kỹ việc mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối. Đồng thời cần có sự chủ động, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh và cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng OCOP tại Festival tôm Cà Mau 
Các đơn vị thương mại có sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP tham gia vào hệ thống các kênh phân phối một cách thuận lợi nhất. Với những đặc điểm của sản phẩm OCOP thì hỗ trợ hướng dẫn và có những chính sách ưu đãi để giúp các sản phẩm OCOP phát triển hơn, lan tỏa hơn giá trị văn hóa và thương mại của Việt Nam trên thị trường. Đối với các chủ thể OCOP cần có sự chủ động hơn, đặc biệt là mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh phù hợp các yêu cầu của thị trường.

Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của các địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Phát triển các sản phẩm OCOP góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương”.

BBT