Sau nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà thông qua hoạt động cung cấp phân bón và các dịch vụ về giống cây trồng, anh Phạm Văn Duy - Giám đốc Công ty CP Sản xuất phân bón Thống Nhất (có địa chỉ tại thôn Yên Nghĩa, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hiểu rằng tổng nhu cầu phân bón hữu cơ tại Hà Tĩnh đang rất lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có hàng ngàn trang trại chăn nuôi, mỗi năm thải ra hàng nghìn tấn chất thải cũng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Từ hiểu biết của bản thân, nắm bắt xu hướng của thời đại và điều kiện sẵn có của địa phương như vậy anh Duy đã luôn ấp ủ dự định xây dựng nhà máy chế biến phân bón hữu cơ vi sinh để có thể phục vụ cho nền nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hà Tĩnh.

Thật may mắn, ý tưởng của anh Duy như được chắp thêm cánh khi biết đến đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chủ trì thực hiện năm 2019. Anh Duy nghiên cứu kỹ kết quả nghiên cứu của đề tài để hiểu thêm về chế phẩm vi sinh, về phân bón hữu cơ để có thể ứng dụng thực tế vào nông nghiệp. Kết quả đề tài nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học HATIMIC sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tạo ra sản phẩm có thể thay thế được toàn bộ phân chuồng, tiết kiệm được từ 15 - 20% phân hóa học mà vẫn đạt được năng suất tương đương hoặc cao hơn từ 5-10%. 

Trên cơ sở kế thừa kết quả của đề tài như vậy, đầu năm 2021, Công ty CP Sản xuất phân bón Thống Nhất do Giám đốc Phạm Văn Duy đứng đầu đã tổ chức sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh Thống Nhất. Nguyên liệu để làm phân bón là tận dụng từ phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi được tập kết tại nhà máy, trộn đều với nhau sau quá trình sơ chế, sàng thô để loại bỏ tạp chất. Tiếp đó, nhà máy trộn chế phẩm sinh học HATIMIC vào nước và tưới đều lên nguyên liệu. Sau khi ủ chế phẩm đủ thời gian (60 - 70 ngày), nguyên liệu được đưa lên băng tải vào máy để nghiền mịn và đóng gói. Bên cạnh đó, để tăng thêm chất lượng phân bón, anh Duy đã tự tìm tòi, nghiên cứu bổ sung thêm các thành phần đa, trung, vi lượng phù hợp, tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm công ty mình.

Anh Duy kiểm tra sản phẩm phân vi sinh Thống Nhất

 

Phân bón hữu cơ vi sinh Thống Nhất sản xuất ra được cung cấp cho một số bà con sản xuất lúa vùng Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ. Kết quả sản xuất vụ đầu tiên sử dụng phân bón Thống Nhất cho thấy lúa có thời gian bén rễ hồi xanh nhanh hơn, tỷ lệ hạt chắc cao hơn so với các loại phân bón khác; chi phí đầu vào trên đầu sào thấp hơn các loại phân bón NPK trên thị trường;… nên được bà con tin tưởng, dự định sản xuất vụ tiếp theo cũng sẽ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Thống Nhất.

Từ kết quả sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh thành công, anh Duy đã viết dự án “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh quy mô công nghiệp tại Hà Tĩnh” để tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2021”. Quy mô của dự án là đầu tư dây chuyền sản xuất công suất 13.000 tấn/năm, quy mô tiêu thụ 10.000 - 14.500 tấn/năm. Dự án của anh Phạm Văn Duy được ban giám khảo cuộc thi đánh giá rất cao và vinh dự nhận được giải nhì cuộc thi.

Anh Duy (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên công ty nhận giải thưởng

 

Đối với anh Duy, điều anh vui mừng và tâm đắc nhất khi tham gia cuộc thi là nhận được những góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, thị trường,… Từ đây anh lại có thêm kiến thức, kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thành quy trình sản xuất cũng như hoàn thiện sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Thống Nhất.

Tiếp nối thành công của năm 2021, kết hợp với những kinh ngiệm quý báu nhận được từ cuộc thi, trong năm 2022 anh Phạm Văn Duy dự định sẽ mở rộng sản xuất. Hiện tại công ty của anh đã xây dựng được hàng chục đại lý tại các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh và phân phối đến 15 tỉnh thành khác trong cả nước. Mục tiêu của công ty sẽ phát triển thị trường khu vực miền Trung và miền Bắc.

Hiện tại, dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có doanh thu chi tiết. Còn theo tính toán, từ năm thứ 3 trở đi, các sản phẩm chủ đạo chính (phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học) với tổng sản lượng hàng năm khoảng 14.000 tấn (công suất dây chuyền 108%) sẽ đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 8 tỷ đồng. Dự án hiện tại đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong thời gian tới, nhu cầu lao động là 23 người.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh Phạm Văn Duy đã có những ý tưởng và hướng đi mạnh dạn nhằm mục đích mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh được phát triển theo hướng bền vững. Hy vọng những ý tưởng, việc làm của anh sẽ thành công hơn nữa để góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường./.

Hoàng Thanh      

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh