Anh Hiếu cho biết, trước đây anh làm nhiều công việc nhưng kinh tế vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên anh tự tìm kiếm học hỏi mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tham khảo thông tin trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định phát triển mô hình này trên mảnh đất được thuê mướn tại thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây này.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Hiếu được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 2.000 m2 gồm 2 nhà màng (mỗi nhà 1.000m2), được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel với tổng kinh phí đầu tư xây dựng ban đầu hơn 1,2 tỷ đồng. Một nhà màng anh trồng dưa thương phẩm; một nhà màng anh luân phiên ươm cây giống, chứa vật tư, thay giá thể...
Một nhà màng anh thiết kế để ươm cây giống, thay giá thể...
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa của anh Hiếu hiện nay phát triển rất tốt. Chỉ sau hơn 90 ngày trồng, vườn dưa 1000 m2 cho thu hoạch từ 3 – 3,5 tấn, trọng lượng mỗi trái từ 1,5 – 2 kg. Dưa của anh thu hoạch được thương lái đến thu mua với giá bán sỉ từ 40.000 đồng - 55.000 đồng/kg hoặc được bán lẻ với giá 65.000 đồng – 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/vụ.
Dưa lưới chuẩn bị gần đến ngày thu hoạch của anh Dương Phú Hiếu
Theo anh Hiếu, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, chỉ tính riêng chi phí đầu tư một nhà màng chưa nói tới việc ươm giống, mua vật tư, thay giá thể... đã tốn chi phí gần 450 triệu đồng. Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ; người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể đem đến sự thành công.
Nhà lưới đang ươm cây giống của anh Dương Phú Hiếu
Đến nay, sau gần một năm sản xuất dưa lưới, anh Hiếu đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định. Theo anh Hiếu, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại mô hình cho thu nhập ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác ba vụ/năm nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của anh Hiếu còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khi tham gia các công việc như: thụ phấn, buộc dây leo, thay giá thể… với mức thu nhập từ gần 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Dương Phú Hiếu mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cở sở để người dân địa phương tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Trần Nguyễn Lâm Viên
Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên