Phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất trồng keo không hiệu quả của bố mẹ chuyển nhượng cho, vợ chồng chị Nhinh đã quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi bò, dê, gà, nuôi trùn quế kết hợp với trồng cỏ và các loại cây ăn quả, cây rau có giá trị kinh tế trên diện tích 4,5 ha.
Được biết năm 2011, gia đình chị may mắn được xã chọn tham gia mô hình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, được hỗ trợ 8 con dê giống, hơn 100 khóm giống thanh long ruột đỏ và được tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Từ nền tảng đó, vợ chồng chị đã vay vốn thêm để mua bò, dê, xây dựng chuồng trại và trồng các loại cây có giá trị kinh tế như mãng cầu, chuối lùn, rau các loại.
Chị Nhinh chia sẻ: "Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do số vốn đầu tư hạn chế nên hầu hết cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như chuồng trại, giàn lưới trồng trọt, hệ thống tưới cỏ tự động, nhà nuôi trùn quế,.. đều do vợ chồng tôi tự tay làm hết. Bên cạnh đó, vì không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt nên việc lựa chọn đối tượng đưa vào sản xuất chưa phù hợp, nhiều khi cây trồng vật nuôi bị bệnh không xử lý kịp thời nên hiệu quả kinh tế thấp”
Không nản lòng trước những khó khăn gặp phải, vợ chồng chị Nhinh đã tích lũy kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả khắp nơi, tìm hiểu kiến thức qua sách, báo, mạng internet và thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật do các ngành, hội tổ chức.
Năm 2017, vợ chồng chị Nhinh quyết định chuyển đổi diện tích trồng một số loại cây không có hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò, dê và giảm quy mô đàn bò tăng quy mô đàn dê. Sử dụng nguồn phân bò, phân dê sẵn có để nuôi trùn quế với diện tích 100m2 gồm 18 bể xây (3m x 1,5m x 30cm). Trung bình chị thu được 4,5 tấn phân/đợt và 180 kg trùn quế/đợt và 5 đợt/năm. Phân trùn quế thu được làm phân bón cho 3,5 ha cỏ, rau của gia đình và lượng giun trùn quế được chị sử dụng làm thức ăn cho bò, dê, gà… Phần còn dư chị bán ra thị trường với giá 2.000 đồng/kg phân và 10.000 đồng/kg giun trùn quế.
|
|
Mô hình nuôi dê bán chăn thả của gia đình chị Nhinh |
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và tận dụng nguồn phân dê, phân trùn quế đã được xử lý, chị Nhinh đã trồng thêm các loại rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi, rau dền… xen canh với rau ăn quả dưa leo, đậu bắp, đậu đũa, bí xanh, bầu trắng, khổ qua, hoa thiên lý... Vì vậy, khu vườn trồng rau khi nào cũng có sản phẩm xuất bán và trồng theo mùa vụ nên hạn chế dịch bệnh, đem lại năng suất cao.
Chị Nhinh là một người có tinh thần ham học hỏi, cần cù chịu khó nên khi xã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng triển khai năm 2024 chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia và được đầu tư hỗ trợ 50% kinh phí mua 300 con gà Dabaco 01 ngày tuổi, thức ăn, men vi sinh xử lý chuồng trại, vaccine phòng bệnh và tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học theo hướng hữu cơ. Đến nay, đàn gà gần 3 tháng tuổi, sinh trưởng phát triển tốt không có dịch bệnh xảy ra, trọng lượng bình quân đạt 1,6 kg/con. Mô hình bước đầu đạt hiệu quả nhờ chị áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phòng bệnh bằng vaccine và có sử dụng đệm lót sinh học làm nền chuồng; đồng thời, có tận dụng một số thảo dược có sẵn tại địa phương như sả, gừng, nghệ, tỏi, lá lốt… để phòng trị bệnh và bổ sung vào khẩu phần ăn cho đàn gà nhằm giúp đàn gà lớn nhanh, không bị dịch bệnh, kết hợp thả vườn khi thời tiết đẹp để thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhìn mô hình hiện tại không ít người thầm cảm phục ý chí nghị lực của đôi vợ chồng đi lên từ hai bàn tay trắng. Đến nay, gia đình anh chị đã sở hữu trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt với tổng quy mô đàn dê khoảng 100 con, 5 con bò, 300 con gà, 18 ô nuôi trùn quế, 3,5 ha trồng cỏ và hơn 200m2 trồng rau các loại. Tổng doanh thu hằng năm khoảng 250-400 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 130-200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, mà hiện nay vợ chồng chị Nhinh đã trả hết số nợ đã vay từ nhà nước là 370 triệu đồng và đã nâng cấp được khu chuồng nuôi dê cao ráo, sạch sẽ, cải tạo chuồng nuôi gà, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy băm cỏ, máy ép thức ăn viên, máy cắt cỏ,…
Nhờ đầu tư song song mô hình chăn nuôi kết hợp mô hình trồng trọt nên gia đình chị Nhinh vẫn có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá nhiều loại sản phẩm nông nghiệp giảm sâu hoặc khó tiêu thụ, đặc biệt thời điểm dịch Covid 19 vừa qua gia đình chị không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo anh Nguyễn Hải Cường - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay: “Đối với những nông dân có quyết tâm, chịu khó và biết áp dụng các mô hình nông nghiệp bền vững sẽ luôn được địa phương tạo điều kiện tối đa. Thời gian đến, chính quyền xã Hòa Phú đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình trang trại nông nghiệp sạch, mô hình nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận, thụ hưởng được các chính sách của nhà nước.
Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mô hình này tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm từ khâu sản xuất này thành nguồn nguyên liệu có giá trị cho khâu sản xuất khác, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguyễn Thị Hà
Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng