Là một người trẻ đam mê nông nghiệp sạch, anh Lưu Văn Quyền đã chọn gắn bó với đồng đất quê hương bằng việc xây dựng mô hình trồng rau theo hướng an toàn. Năm 2021, anh Quyền quyết định đầu tư trồng 2 ha bắp cải và su hào. Để đảm bảo cây trồng phát triển tốt và đạt năng suất cao, anh đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động trên toàn bộ diện tích canh tác. Phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, anh Quyền thường xuyên cắt tỉa lá già, kiểm tra sâu bệnh và bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho cây, đảm bảo rau phát triển đồng đều, tươi tốt.

 

Theo anh Quyền, với mỗi vụ, bắp cải và su hào đều cho năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/ha. Giá bán tại vườn dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình mang lại lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/vụ. Với 3 vụ/năm, tổng thu nhập của gia đình anh đạt gần 500 triệu đồng, một con số ấn tượng với mô hình trồng rau an toàn. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định, mô hình còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

leftcenterrightdel
 Anh Quyền khởi nghiệp bằng việc xây dựng mô hình trồng rau theo hướng an toàn

 

Trong thời gian tới, anh Quyền dự định mở rộng thêm diện tích canh tác lên 3 ha, đồng thời đa dạng hóa các loại rau trồng theo mùa như cải thảo, cải ngọt, và rau mùi. Anh cũng đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu rau sạch "Quyền Farm" để cung cấp trực tiếp sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong khu vực. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Quyền dự định đầu tư vào công nghệ sơ chế và đóng gói tại chỗ, giúp rau luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm được đóng gói sẽ kèm mã QR, cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc, tạo sự minh bạch và tin cậy.

 

Với những kết quả đã đạt được và hướng đi đúng đắn, mô hình trồng bắp cải, su hào của anh Quyền được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu cho các hộ nông dân trẻ muốn khởi nghiệp nông nghiệp tại địa phương. Ông Trần Đình Lộc, phó giám đốc Trung tâm DVNN huyện Nam Đàn khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật và định hướng tiêu thụ sản phẩm, giúp mô hình của anh Quyền phát triển lâu dài, đồng thời nhân rộng ra các xã khác trong huyện.”

 

Những nỗ lực của anh Quyền không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp xã Nam Lĩnh. Anh chia sẻ: “Làm nông nghiệp hiện nay không chỉ cần đam mê mà phải biết tận dụng công nghệ, hiểu thị trường và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của chính quyền và sự đồng hành của cộng đồng, mô hình của tôi sẽ còn tiến xa hơn nữa.”

Chu Anh Hùng

Trung Tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đàn, Nghệ An