Sau 7 năm học tập và làm việc tại Australia, 12 năm công tác trong ngành ngân hàng với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội, năm 2019, anh Tạ Quý Tôn ở thôn Kim Tháp xã Nguyệt Đức xin nghỉ việc để về quê thực hiện khát vọng khởi nghiệp đã khiến cho nhiều người bất ngờ, chính người thân của anh cũng chia sẻ là không thực sự đồng tình với quyết định này, nhưng từ những năm học tập và công tác ở nước ngoài đã giúp anh Tôn nhận thấy các sản phẩm từ xơ mướp dùng làm đồ gia dụng sẽ rất hữu ích và có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Tôn quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người đang mơ ước để thực hiện khác vọng khởi nghiệp bằng mô hình trồng mướp lấy xơ trên quê hương mình nhằm có thể tạo ra dòng sản phẩm gia dụng phục vụ trong nhà bếp, nhà tắm và đồ dùng cá nhân để phục vụ nhu cầu của xã hội đồng thời mong muốn đưa sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
|
|
Anh Tạ Quý Tôn (đứng giữa) chia sẻ về trồng mướp lấy xơ |
Sau 5 năm thực hiện, anh Tôn đã mở rộng diện tích trồng mướp lấy xơ tại xã Nguyệt Đức hiện nay là hơn 9 ha, ngoài xã Nguyệt Đức, anh Tôn đã thuê và trồng mướp lấy xơ để mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại các địa phương lân cận và một số tỉnh thành như Nam Định, Hải Dương, khu vực Tây Nguyên…là trên 100 ha. Từ kinh nghiệm sau những năm trồng mướp anh Tôn cho biết, thời vụ trồng mướp thích hợp trong khoảng tháng 1 tháng 2 hàng năm, sau 2 tháng thì có thể cho thu hoạch quả non, thời điểm này phải tỉa bớt quả để cây nuôi số quả còn lại được to, sau 5 tháng kể từ khi trồng thì cho thu hoạch quả già và lấy xơ, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Về chăm sóc cây mướp, anh Tôn dùng phân chuồng, phân tổng hợp và phân hữu cơ, thời điểm mướp chuẩn bị ra quả thì 20 ngày bón phân một lần, thời điểm cho thu hoạch thì 1 tháng bón phân một lần, Cây mướp là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc nhưng loại cây này cũng có nhiều sâu bệnh. Khi phát hiện cây bị sâu bệnh nên có hướng xử lý kịp thời để cây phát triển tốt cho năng suất cao. Anh Tôn cho biết, sau mỗi vụ trồng mướp cứ 1 ha có thể cho thu hoạch từ 60.000 - 80.000 quả mướp để lấy xơ.
Để tạo ra các sản phẩm từ xơ mướp như bông tắm, đai chà lưng, lót giày và những sản phẩm gia dụng…, anh Tôn đã xây dựng khu gia công sản phẩm với các loại máy móc như máy may, máy ép, máy cắt. Sản phẩm từ xơ mướp đều được làm theo phương pháp thủ công, do đó mỗi sản phẩm đều có thẩm mỹ đẹp, mộc mạc, thân thiện với môi trường. Anh Tôn chia sẻ, để sản phẩm vào được thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, nhất là những sản phẩm được làm thủ công. Năm 2023, cơ sở của anh Tôn đã lập hồ sơ để tham gia chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), trong đó đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: miếng rửa bát xơ mướp, bông tắm xơ mướp, lót giày xơ mướp. Anh Tôn chia sẻ, sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP đã giúp anh mở rộng thị trường cho xuất khẩu ra nước ngoài, với thị trường khó tính như Mỹ cũng đã tăng được các đơn đặt hàng; không dừng lại ở đó, năm 2024 anh Tôn tiếp tục lập hồ sơ để đề nghị đánh giá sản phẩm OCOP với mức cao hơn. Anh Tôn phấn khởi cho biết, theo Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 26/12/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh đơn vị của anh đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận lần đầu gồm: cây rửa ly bốn cánh, dép - tông xơ mướp, đai kỳ lưng xơ mướp; 3 sản phẩm nâng hạng sao gồm: miếng rửa bát xơ mướp, bông tắm xơ mướp, lót giày xơ mướp.
Hiện nay anh Tôn chủ yếu cung cấp các sản phẩm làm từ xơ mướp tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước ở châu Âu, với trên 20 dòng sản phẩm chủ yếu là bộ sản phẩm cho nhà bếp, nhà tắm và đồ dùng cá nhân như lót giày, giày dép đi trong nhà với giá bán trung bình khi xuất khẩu là từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm, trung bình mỗi tháng anh Tôn xuất khẩu từ 2-3 đơn hàng sang thị trường nước ngoài với trị giá từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/tháng. Anh Tôn cho biết doanh số từ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài năm 2024 là trên 6 tỷ đồng.
Từ khát vọng khởi nghiệp đến việc đưa sản phẩm OCOP vào thị trường xuất khẩu của anh Tạ Quý Tôn ở thôn Kim Tháp xã Nguyệt Đức, Thị xã Thuận Thành đã thể hiện được sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của cơ sở sản xuất . Anh Tôn là tấm gương khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong cộng đồng, hướng người dân vào kinh tế hội nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với phát triển thương mại điện tử để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà hướng đến đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho thị trường xuất khẩu./.
Nguyễn Lam
Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh