Sau 12 năm gắn bó với công việc trồng cam ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cuối năm 2021, anh Nguyễn Văn Thái đã thuê lại 2,1 ha đất ổn định của các hộ dân thuộc thôn Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để trồng cam.
Anh Thái chia sẻ, đất khu vực này trũng canh tác không mấy hiệu quả, nhiều nông dân bỏ ruộng. Sau khi được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Thái đã thuê lại đất với mức giá 900.000 đồng/sào/năm để cải tạo thành vùng trồng cam. Bằng công sức và những kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với cây cam, anh Thái đã tạo ra vườn cam xanh tốt và sai quả. Hiện nay anh Thái sử dụng 2,1 ha chủ yếu để trồng cam canh, một phần đất dành ra trồng ổi, bưởi và một số cây ăn quả khác.
|
|
Anh Thái (người ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trong trồng cam canh |
Với mong muốn là trồng cam vừa mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng vừa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm cam của nhà mình, anh Thái đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan tổ chức liên quan để thực hiện quy trình trồng cam tạo ra sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn về chứng nhận VietGAP. Sau một năm thực hiện quy trình, ngày 21/10/2024, Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã ban hành Quyết định số 09-10-24/QĐCN-TT-FAO về việc cấp Giấy chứng nhận sản phẩm cam phù hợp Tiêu chuẩn/quy chuẩn VietGAP cho hộ anh Nguyễn Văn Thái; địa chỉ thôn Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Để đáp ứng được các tiêu chí chứng nhận sản phẩm VietGAP anh Thái cho biết, về kỹ thuật sản xuất phải đáp ứng được các tiêu chí từ phương thức canh tác, giống, nguồn nước và nguồn đất; thu hoạch, bảo quản và an toàn lao động,… nhưng quan trọng nhất là cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng thực phẩm trong toàn bộ các khâu canh tác không bị ô nhiễm, không sử dụng các chất bảo quản, không chứa dư lượng kháng sinh và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và giúp cho việc kiểm tra xuất xứ của sản phẩm. Quá trình sản xuất được đơn vị chứng nhận và kiểm nghiệm FAO định kỳ kiểm tra và kiểm tra đột xuất, những vấn đề vướng mắc trong quá trình làm đều được các bên bàn bạc thống nhất và đề xuất kịp thời các giải pháp thực hiện.
Cam canh là loại cây khó trồng, cam không chịu được úng, khi trồng cam cần phải làm tốt hệ thống thoát nước. Anh Thái chia sẻ, cơn bão số 3 vừa qua đã gây ngập úng cục bộ, nhưng do làm tốt hệ thống thoát nước và bơm úng kịp thời nên mức độ thiệt hại đối với vườn cam của anh không lớn.
Chia sẻ về kinh nghiệm để cây cam phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cho năng suất cao, anh Thái cho biết, khi trồng cam cần lưu ý từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc, nên chọn những cây giống từ cây khỏe, sai quả, hương vị thơm ngon, không có dấu hiệu bị sâu bệnh; đất trồng cam cần tơi, xốp, đất thịt nhẹ, dễ thoát nước, đặc biệt đất giàu mùn, giàu dinh dưỡng, có độ pH phù hợp cây cam sẽ phát triển tốt. Thời gian trồng cam từ 1 đến 3 năm đầu tiên, cần tiến hành bấm ngọn, tỉa cành để tạo tán và khống chế chiều cao cho cây, giúp cây phát triển theo một khung ổn định. Ngoài ra, vào thời kỳ sai quả nên làm cây chống đỡ hoặc dùng dây buộc để níu cành, tránh làm cành cam bị gãy, hỏng, giảm năng suất. Các thời kỳ bật mầm, phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả và quả phát triển cần tập trung cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây.
Về sâu bệnh trên cây cam canh, người trồng cần phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cần chú ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và đảm bảo thời gian cách ly đến khi thu hoạch. Các loại sâu bệnh thường gặp phải khi trồng cam canh là sâu vẽ bùa, sâu đục cành, rầy, nhện đỏ, bệnh loét,… Khi có cành, quả bị thối hỏng, rụng do sâu bệnh tàn phá người trồng cần dọn sạch khỏi vườn, tiêu hủy ngay để tránh mầm bệnh lây lan. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là phun thuốc phòng trước khi sâu bệnh xuất hiện.
Để cây cam canh ra hoa đậu quả sai, anh Thái chia sẻ, cần lưu ý là chăm sóc tốt cho cây cam sau thu hoạch, đôn đảo gốc sẽ giúp cho cây hồi phục lại dinh dưỡng để tiếp tục cho quả vào năm sau (một năm cho quả một năm trả cảnh). Khi thu hoạch xong cần phải loại bỏ những cành sâu bệnh, cành ốm yếu nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây. Chăm sóc tốt để cây cam phát triển lộc và ra hoa ở thời điểm sau lập xuân 4-5 ngày là phù hợp nhất.
Về sử dụng phân bón, số lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi cây, anh Thái cho biết, thường thì bón cho cây sau khi thu hoạch với lượng phân bón như sau: Phân hữu cơ hoại mục khoảng 20 kg/cây; Đạm Urê 0,5-0,8 kg/cây; Super lân 0,5-1,0 kg/cây, Kali 0,1-0,3 kg/cây, Vôi bột 0,5-1 kg/cây, đậu tương nghiền 0,5-1 kg/cây.
|
|
Anh Thái chia sẻ về thời điểm thu hoạch cam canh |
Cam canh cho thu hoạch vào thời điểm từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. Quả cam có hình cầu dẹt, chín màu đỏ, vỏ mọng, ruột màu vàng, ăn ngọt, thơm. Trọng lượng trung bình 8-10 quả/kg. Khi thu hoạch dùng kéo cắt cành để không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Với một cây cam canh sai quả có thể cho thu hoạch khoảng 35-40 kg quả/cây. Hiện nay khu trồng cam canh của anh Thái có khoảng hơn 4000 gốc cam; anh Thái dự kiến mỗi năm luân phiên có khoảng 1500 đến 2000 gốc sẽ cho thu hoạch. Năm 2024, khu trồng cam canh của gia đình anh Thái dự kiến sẽ cho thu hoạch trên 30 tấn quả, giá xuất bán hiện nay được các cơ sở kinh doanh đến đặt mua cam canh là khoảng 35.000 đồng/kg. Với chất lượng quả tốt, sản phẩm cam được chứng nhận VietGAP đã trở thành địa chỉ tin cậy để các cơ sở kinh doanh và các tiểu thương đến tận vườn đặt mua. Hiện nay, để duy trì và phát triển mô hình trồng cam ngoài 2 vợ chồng, anh Thái phải thuê thêm 7-10 lao động thời vụ, mức thuê 220.000 đồng/người/ ngày, thời gian tới anh Thái tiếp tục có kế hoạch lắp đặt hệ thống ống dẫn để tưới nước tự động giúp thuận lợi và chủ động, đồng thời giảm chi phí nhân công trực tiếp.
Ông Sái Trọng Lịch - Phó Chủ tịch UBND xã Song Liễu cho biết, mô hình trồng cam tiêu chuẩn VietGAP của hộ anh Nguyễn Văn Thái ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu đã mang lại hiệu quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cho thu nhập cao. Từ vùng đất trũng sản xuất khó khăn, được sự ủng hộ từ phía người dân, qua bàn tay lao động của gia đình anh Thái đã trở thành vườn cam xanh tốt và cho năng suất chất lượng cao. UBND xã Song Liễu đã phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Thuận Thành hướng dẫn hộ sản xuất lập hồ sơ để đề nghị cấp thẩm quyền đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP cho cam canh của gia đình anh Thái.
Với tư duy đổi mới, cách nghĩ, cách làm và những kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Nguyễn Văn Thái tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành đã thực sự mang lại hiệu quả, vừa cho năng suất, chất lượng cao vừa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm./.
Nguyễn Lam
Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh