Nhằm giúp nông dân có giải pháp thích ứng với những điều kiện khó khăn trong canh tác lúa hiện nay, đồng thời tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu thực hiện mô hình sạ lúa theo cụm lồng ghép trong mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Hè Thu 2022 tại xã Tân An, thị xã Tân Châu.

Việc thực hiện mô hình với các mục tiêu đề ra là giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến (áp dụng quy trình 1P5G, sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp, …), như giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán từ 140 – 150 kg/ha xuống 50 - 60 kg/ha, sử dụng giống cấp xác nhận, kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế đổ ngã, tăng khả năng chống chịu cho lúa, giảm thất thoát sau thu hoạch, ....  nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.

Máy sạ cụm

 

Cụm lúa sạ

 

- Thông tin về mô hình:

Ngày xuống giống: 04 - 05/4/2022, có 04 hộ tham gia, quy mô: 6 ha , trong đó mô hình thực hiện trên 2 ha, diện tích đối chứng: 4 ha.

Các hộ tham gia mô hình đều sử dụng lúa giống OM18 cấp xác nhận, nhằm đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, độ thuần, tăng sức chống chịu và đảm bảo sức sống của hạt giống, giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ.

Ruộng trong mô hình trình diễn sử dụng lượng giống 55 kg/ha, áp dụng phương pháp sạ bằng máy sạ cụm (2/4 hộ). Ruộng đối chứng sử dụng với lượng giống từ 140- 150 kg/ha, áp dụng phương pháp sạ lan (phun bình máy). Qua đó, cho thấy mô hình sạ cụm giảm 60,7 - 63% lượng hạt giống so tập quán truyền thống.

Lượng phân bón N-P-K sử dụng có sự khác biệt giữa mô hình áp dụng sạ cụm và sạ lan, cụ thể:

Các hộ tham gia mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền. Lượng phân bón sử dụng trong các mô hình thử nghiệm và ruộng đối chứng như sau:

Phân bón

Mô hình

Đối chứng

Chênh lệch

N

112

139

27

P2O5

22

54

32

K2O

23

39

16

Về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): các ruộng thực hiện tham gia mô hình đều áp dụng 7 lần phun thuốc BVTV trong suốt vụ sản xuất, gồm phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, hậu nảy mầm, phun phòng trừ sâu bệnh các giao đoạn sinh trưởng. Chi phí thuốc BVTV, trên nền phân bón hiện có trên thị trường và bón phân theo tập quán địa phương thì mô hình sạ cụm chi phí thấp hơn 297.000 - 1.551.000 đồng/ha (giảm 7,9 - 14,1%) so với mô hình sạ lan cùng bón phân hiện có trên thị trường. Tình hình sâu bệnh hại ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa ở cả 2 mô hình trình diễn và đối chứng đều xuất hiện các đối tượng như: sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy phấn trắng, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá.

Lúa 10 NSS

* Chỉ tiêu nông học

- Chiều cao cây lúa (cm) của nghiệm thức mô hình và đối chứng ở các giai đoạn 10 NSS, 20 NSS, 40 NSS, 65 NSS không có sự chênh lệch nhiều và nhận thấy cây lúa sạ cụm phát triển tốt, cứng cây, lá lúa thẳng đứng, có màu xanh bền.

- Số chồi/m2:

+ Trên nền phân bón Bình Điền: Số chồi trung bình của ruộng mô hình áp dụng sạ cụm ở các giai đoạn 10, 20, 40 NSS đều thấp hơn so với số chồi trung bình của ruộng áp dụng sạ lan. Đến giai đoạn 65 NSS, số chồi trung bình của ruộng áp dụng sạ cụm cao hơn so với số chồi trung bình của ruộng áp dụng sạ lan.

+ Trên nền phân bón tự do: Số chồi trung bình của ruộng áp dụng sạ cụm ở các giai đoạn 10, 20, 40, 65 NSS đều thấp hơn so với số chồi trung bình của ruộng đối chứng áp dụng sạ lan.

* Thành phần năng suất và năng suất

Lúa chín

 

Số bông/m2: cao nhất ở ruộng đối chứng (sạ lan) 447 bông/m2 và thấp nhất ở ruộng mô hình (sạ cụm) 365 bông/m2. Số hạt chắc/bông: cao nhất ở ruộng mô hình (sạ cụm) 91 hạt chắc/bông và thấp nhất ở ruộng đối chứng (sạ lan) 61 hạt chắc/bông.

Năng suất lý thuyết: cao nhất ở ruộng (sạ cụm) với 8,69 tấn/ha và thấp nhất ở ruộng (sạ lan) với 6,32 tấn/ha. Năng suất thực tế: cao nhất ở ruộng (sạ cụm) với 6,67 tấn/ha và thấp nhất ở ruộng (sạ lan) với 6,0 tấn/ha.

 

So sánh năng suất của mô hình sạ cụm và sạ lan:

+ Trên nền phân bón Bình Điền: Năng suất thu mẫu trung bình của ruộng áp dụng sạ cụm 6,5 tấn/ha, cao hơn so với năng suất thu mẫu trung bình của ruộng áp dụng sạ lan 6,29 tấn/ha.

+ Trên nền phân bón tự do: Năng suất thu mẫu của ruộng áp dụng sạ cụm 6,17 tấn/ha cao hơn so với năng suất thu mẫu trung bình của ruộng áp dụng sạ lan 6,06 tấn/ha.

* Hiệu quả kinh tế khi thực hiện mô hình:

Chi phí thấp nhất là ruộng mô hình sử dụng phân bón Bình Điền, áp dụng phương pháp sạ lan là 24.455.000 đồng/ha. Chi phí cao nhất là ruộng đối chứng, bón phân tự do, áp dụng phương pháp sạ lan là 33.598.000 đồng/ha.

Lợi nhuận của ruộng trình diễn cho hiệu quả cao nhất 14.557.000 đồng/ha. Lợi nhuận thấp nhất ở ruộng đối chứng là 3.602.000 đồng/ha.

 Lợi nhuận của các nghiệm thức chủ yếu do chênh lệch về chi phí lúa giống, vật tư nông nghiệp.

So sánh lợi nhuận mô hình sạ cụm và sạ lan:

Kết quả triển khai mô hình cho thấy: ghi nhận đầu tiên là trên nền phân bón tự do hiện có trên thị trường và bón phân theo tập quán của địa phương thì mô hình “sạ cụm” cho năng suất 6,17 tấn/ha, cao hơn 0,09 - 0,17 tấn/ha so với năng suất của ruộng đối chứng sạ lan. Mô hình sạ cụm cho lợi nhuận cao hơn 2.367.000 -  9.154.00 đồng/ha (tăng 18,6 - 71,8% về hiệu quả kinh tế) so với lợi nhuận của mô hình sạ lan bón phân tự do hiện có trên thị trường.

Trên nền phân bón Bình Điền:

Lợi nhuận trung bình ở ruộng áp dụng phương pháp sạ cụm là 12.770.000 đồng, cao hơn 282.000 đồng so với ruộng sạ lan bón phân Bình Điền đạt 12.488.000 đồng.

Lợi nhuận trung bình của các ruộng áp dụng sạ cụm là 12.762.000 đồng, cao hơn 3.234.000 đồng so với các ruộng áp dụng sạ lan là 9.529.000 đồng.

Trên nền phân bón tự do:

Ruộng sạ cụm bón phân tự do đạt lợi nhuận 12.747.000 đồng, cao hơn tất cả các ruộng bón phân tự do khác.

Từ hiệu quả kinh tế trên cho thấy, phương pháp “sạ cụm” mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sạ lan. Đồng thời, nếu áp dụng phân bón chuyên dụng Bình Điền thì lợi nhuận sẽ tăng thêm.

Thông qua kết quả mô hình có thể giúp nông dân thay đổi một số tập quán sản xuất cũ, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng cơ giới hóa bằng máy “sạ cụm” giúp tiết giảm lượng giống, hàng và cụm đồng đều tạo sự thông thoáng giúp lúa phát triển tốt, chống và hạn chế đổ ngã. Mô hình cũng tạo điều kiện cho nông dân được tìm hiểu, tiếp cận phân bón chuyên dùng mới, có chất lượng, giá thành hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Để thực hiện mô hình sạ lúa theo cụm đạt hiệu quả cao, cần lưu ý:

- Mật độ gieo sạ rất thấp (50 - 60 kg/ha) nên sử dụng lúa giống cấp xác nhận trở lên.

- Quản lý tốt cỏ dại, ốc bươu vàng và chuột ngay từ đầu vụ để đảm bảo mật độ gieo sạ.

- Ruộng sạ theo cụm phải đảm bảo bằng phẳng, bùn mềm và đặc biệt không bị lún, không bị khô.

- Hạt giống chỉ cần ngâm nước 24 - 36 giờ, để ráo nước, sau đó ủ 12 giờ cho nứt nanh, đảm bảo mầm lúa dài 1 - 2 mm là đạt.

- Mật độ gieo sạ từ 50 - 60 kg/ha, máy sạ sẽ định sẵn khoảng cách cụm là 14 -16 cm, hàng cách hàng 25 cm, mỗi cụm rơi từ 5 - 10 hạt lúa.

- Có thể sử dụng phân phân Đầu Trâu mặn - phèn để bón lót trước khi sạ để cho bộ rễ cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ. Bón thúc lần 1 sớm 7 ngày sau khi sạ, lần 2 từ 18- 20 ngày sau khi sạ để đảm bảo sự nảy chồi của cây lúa.

- Áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ giúp hạn chế chồi vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi chồi hữu hiệu, giúp rễ lúa phát triển tốt ăn sâu hút nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây, hạn chế đỗ ngã, thuận tiện cho việc thu hoạch.

Trần Châu Phương Tuấn

Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang