Anh Dương Văn Tài, nông dân ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi đã có thâm niên trên 10 năm trồng nấm rơm. Với bản tính nhanh nhạy, ham học hỏi, đầu năm 2019 sau khi được hướng dẫn kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông huyện, anh Tài đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm dạng trụ và mô hình trồng nấm rơm dạng kệ trong nhà.

Anh Tài cho biết, đến nay, gia đình anh đã thực hiện 3 vụ trồng nấm rơm trong nhà. Anh nhận thấy, mô hình này hiệu quả hơn nhiều so với trồng nấm rơm truyền thống ở ngoài trời. Bởi vì nếu trồng ngoài trời, mưa nắng thất thường, hiệu quả mang lại không cao, còn trồng trong nhà thì mưa nắng không còn quan trọng nữa. Trung bình mỗi mét mô ngoài trời thu hoạch khoảng 1,5 kg nấm/vụ, còn mỗi trụ nấm thu hoạch trung bình 4 kg/vụ”. Chỉ 105 m2 trồng nấm với 3 nhà nấm, trong đó 2 nhà trồng nấm theo dạng trụ với 83 trụ nấm và 01 nhà trồng theo dạng kệ với 3 kệ, 6 tầng, sau khi trừ hết chi phí, anh Tài thu lãi từ 7 - 9 triệu đồng/vụ nấm khoảng một tháng rưỡi, tính ra lợi nhuận cao gấp 2 -3 lần so với trồng nấm rơm truyền thống.

“Trồng nấm rơm không tốn nhiều tiền đầu tư nguyên liệu, nhanh thu hoạch, sản phẩm dễ tiêu thụ, sản xuất ra bao nhiêu là tôi bán hết bấy nhiêu. Đặc biệt vào ngày rằm, mồng một, nấm thường bán được giá cao hơn, khoảng 70.000 đồng/kg so với ngày thường chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg” - anh Tài cho biết thêm.

Nói về kỹ thuật trồng nấm rơm, anh Tài chia sẻ: “Để trồng nấm đạt năng suất cao và chất lượng tốt thì phải đảm bảo 3 yếu tố, đó là xử lý nguyên liệu trước khi cấy meo giống, chất lượng giống và nhiệt độ trong nhà nấm. Lúc trước trồng nấm theo kiểu truyền thống ngoài trời, tôi phải di chuyển nền liên tục, nếu không nấm rất dễ nhiễm khuẩn. Đến nay với cách làm mới là trồng nấm theo dạng trụ, tôi có thể trồng liên tục nhiều vụ trên một nền mà không lo đến nấm bị nhiễm khuẩn. Sau khi thu hoạch hoạch, tôi chỉ cần lát hồ mỏng lên nền nhà nấm là có thể trồng vụ tiếp theo. Với cách làm này sẽ tiết kiệm được thời gian rất nhiều, qua đó cũng tăng thu nhập đáng kể cho gia đình”.

Được biết mô hình trồng nấm rơm dạng trụ còn nằm trong chương trình hợp tác giữa An Giang và đất nước Thụy Điển. Từ chương trình hợp tác này, bà con nông nhận được nhiều sự ưu đãi để phát triển mô hình cho gia đình.

Là người chủ nhiệm đề tài thử nghiệm mô hình trồng nấm rơm dạng trụ tại huyện Châu Thành, chị Nguyễn Thị Dàng – cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết: “Thực hiện mô hình trồng nấm rơm dạng trụ có nhiều tiềm năng lợi thế, đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ, diện tích nhỏ, lợi nhuận cao, vòng quay nhanh, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ mạnh, lại tận dụng lao động nhàn rỗi. Bên cạnh đó có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân trồng nấm từ chương trình hợp tác giữa An Giang- Thụy Điển như được tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện mô hình. Với những tiềm năng lợi thế và các chính sách hỗ trợ trên, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế cho nông dân xã Vĩnh Lợi nói riêng và nông dân huyện Châu Thành nói chung”.

Chính vì hiệu quả mang lại của mô hình trồng nấm rơm dạng trụ và dạng kệ trong nhà, trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương xã Vĩnh Lợi khuyến khích để nhân rộng mô hình, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trên địa bàn./.

Kim Xoàng

Đài Truyền thanh huyện Châu Thành, An Giang