Nguyên nhân chính là người dân tại địa phương sử dụng giống vừng cũ, quá trình để giống nhiều năm bị thoái hóa. Ngoài ra, việc bón phân không cân đối làm cho vừng giảm khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại tấn công nhiều hơn dẫn đến năng suất thấp.

Vì vậy việc sử dụng giống vừng tốt, có thời gian sinh trưởng phù hợp, bón phân cân đối và hợp lý là những yếu tố cần thiết để tăng năng suất vừng, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại, nâng cao thu nhập cho người dân là rất cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã triển khai thành công mô hình trồng vừng giống V36 trong khuôn khổ đề tài “Nguyên cứu một số giải pháp kỹ thuật canh tác trong sản xuất vừng trên đất lúa chuyển đổi tại Bình Định”

Ngày 4 tháng 6 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Sơn tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trồng thâm canh giống vừng V36. Mô hình có 10 hộ tham gia thực hiện với diện tích 1 ha trên đất lúa kém hiệu quả tại xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác giống vừng V36

 

Giống vừng V36 trong vụ Hè có thời gian sinh trưởng trung bình 72 ngày, chiều cao cây trung bình 126 cm, số quả trung bình trên cây đạt 22,5 quả. Nhìn chung, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong mô hình cây sinh trưởng tốt hơn, các chỉ tiêu sinh trưởng đều cao hơn so với đối chứng sản xuất cùng thời điểm trên cùng chân đất, nên chỉ tiêu năng suất cũng vượt trội hơn, đạt 14,1 tạ/ha.

Vừng là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Sản phẩm từ cây vừng không những dùng làm thực phẩm, mà còn được dùng trong dược phẩm, công nghiệp nên đầu ra tương đối ổn định. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát triển của một số loại dịch bệnh trên cây lúa, cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa khô, mặt khác trồng cây vừng khối lượng nước chỉ bằng 1/3 – 1/5 so với cây lúa nhưng thu nhập lại cao gấp 2 – 3 lần.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Hoàng - nông dân xã Hoài Sơn nói: "Nông dân chúng tôi cần những giống vừng tốt và quy trình canh tác thích hợp, đảm bảo năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Vụ hè năm 2020 này chúng tôi được tham gia mô hình trồng giống vừng V36. Đến nay sắp thu hoạch, kết quả mô hình khả quan làm bà con chúng tôi phấn khởi. Hơn nữa chúng tôi rất an tâm vì đã có Công ty TNHH Sachi Nguyễn bao tiêu sản phẩm đầu ra".

Thạc sỹ Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: Vụ hè 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng thâm canh giống vừng V36 tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Mục tiêu của mô hình là chuyển giao kỹ thuật về phân bón và biện pháp canh tác để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cây vừng trên chân đất lúa chuyển đổi. Qua mô hình sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình thâm canh cây vừng trên chân đất chuyển đổi, từ đó nhân rộng mô hình ra ở các địa phương khác trong tỉnh nhằm nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho bà con nông dân trong điều kiện hạn hán.

Việc chuyển từ đất lúa sang trồng vừng sử dụng ít nước tưới trong mùa khô hạn hiện nay được nhiều địa phương tích cực áp dụng. Đây cũng là một trong các giải pháp được các nhà khoa học khuyến khích nông dân áp dụng để vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa hạn chế được sâu bệnh trên lúa, tiết kiệm được lượng nước sử dụng./.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định