Việc áp dụng mô hình cấy lúa bằng máy sẽ đem lại nhiều cái lợi cho nông dân. Bà con có thời gian chuẩn bị đất chu đáo hơn, từ 10 -15 ngày trong thời gian làm mạ, quản lý được chất lượng mạ để đảm bảo điều kiện cấy. Bên cạnh đó còn kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng; cây lúa ít bị sâu bệnh, đổ ngã; tiết kiệm phân bón, thuận tiện thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Đặc biệt, chất lượng hạt giống đồng đều, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật sản xuất lúa giống.

Máy cấy lúa cấy được 6 hàng, mỗi hàng cách nhau 25 cm. Ưu điểm của máy là dễ di chuyển dưới ruộng cũng như trên bờ, thao tác đơn giản. Có thể cấy được từ 3 - 4 ha/ngày.

Ông Trương Phú Quốc (chú Ba Quốc) – Giám đốc HTX Thuận Tiến cho hay: “Bà con nông dân có tập quán sạ lan với mật độ dày, bón nhiều phân vô cơ, áp lực sâu bệnh cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết là những nguyên nhân làm giảm năng suất và nâng cao giá thành sản xuất lúa nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nâng cao giá trị hạt lúa trên cùng đơn vị diện tích giúp nông dân nâng cao thu nhập và hạ giá thành sản phẩm là bài toán khó luôn làm tôi canh cánh trong lòng. Đến năm 2016, khi Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy triển khai mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận bằng máy cấy trên địa bàn các xã Vị Đông, Vị Trung và Vị Thủy. Tôi được mời tham quan học tập mô hình, đây cũng chính là lần đầu tiên được tận mắt thấy máy cấy trình diễn thực tế trên đồng ruộng”.

Chú Ba Quốc đang điều khiển máy cấy lúa của HTX

Chú Ba Quốc cho biết thêm: “Đến năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy triển khai chương trình trợ giá mua máy cấy cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện với số lượng có hạn. Tôi liền triệu tập họp Hội đồng quản trị thì đa số ý kiến tán thành là đăng ký mua máy cấy, trước tiên để phục vụ cho diện tích lúa của thành viên hợp tác xã, sau mới tính chuyện làm dịch vụ cấy thuê. Hứa hẹn đây là mô hình hiệu quả, vì hiện tại trên địa bàn huyện chưa có ai sở hữu máy cấy lúa, trong khi nhu cầu cấy lúa bằng máy thì ngày càng cao”.

Được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp hướng dẫn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, người nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất trước đây, chấp nhận và áp dụng kỹ thuật sạ lúa bằng dụng cụ sạ hàng và máy sạ hàng. Nay được thấy máy cấy lúa hoạt động thực tế bà con lại càng thích thú.

Vụ Đông Xuân 2017 – 2018, HTX Thuận Tiến đã cấy lúa bằng máy cho 10 hộ thành viên với diện tích cấy là 36,2 ha. Bà con rất hài lòng khi thấy những hàng mạ được cấy rất đều, không phải bỏ công dặm như sạ trước đây. Cỏ, ốc bươu vàng cũng ít gây hại nên trước mắt làm lợi khoảng 300.000 - 400.000 đồng/công. Thành viên hợp tác xã chỉ mong vụ nào cũng được cấy lúa bằng máy để giảm công lao động, tăng năng suất và lợi nhuận.

Sử dụng máy cấy giúp nhà nông giảm lượng giống gieo sạ đáng kể. Nếu như gieo sạ thường phải dùng từ 150 - 200 kg/ha thì máy cấy lúa chỉ cần 50 kg/ha. Chi phí gieo sạ cũng giảm 2 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn là dùng máy cấy lúa còn giảm tối thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Dần thay đổi tập quán sạ lan, sạ dày của bà con nông dân trước đây./.

Huỳnh Trần Tân Khoa

Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang