Việc ứng dụng thiết bị san phẳng bằng tia laser trên đồng ruộng nhằm giúp nông dân tăng diện tích đất trồng, thuận tiện cho cơ giới hóa trong sản xuất và áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm”, dễ dàng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: kỹ thuật xạ hàng, kỹ thuật quản lý nước, phòng trừ dịch hại tổng hợp... qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.   

Đây là Dự án mang ý nghĩa thiết thực và được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Bà con nông dân cần nhận thức rõ hơn lợi ích của việc san phẳng đồng ruộng, tạo ra cánh đồng lớn chuyên canh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất. Được biết, tổng kinh phí thực hiện dự án là 976,1 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Sở Khoa học & Công nghệ và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Ninh Thuận; được thực hiện trong thời gian 7 tháng. Cuối tháng 1/2019, tại Cánh đồng đội 9, thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã tổ chức buổi trình diễn kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser.   

Trình diễn kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser tại cánh đồng đội 9, thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận                 

 

Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 của Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, tổng số máy móc, thiết bị, động cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2016 khoảng hơn 3.860 cái các loại, trong đó máy kéo công suất trên 35 mã lực là 325 cái, máy kéo 12 - 35 mã lực 1.237 cái, động cơ chạy xăng, dầu diezen khoảng 1.511 cái, máy bơm nước khoảng 17.806 cái… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt khoảng 90%, số xã có diện tích lúa làm bằng máy là 40/47 xã (chiếm tỷ lệ 97,56%); diện tích lúa được làm bằng máy là 32,33 nghìn ha/32,66 nghìn ha (chiếm 98,98%). Tuy nhiên, chỉ mới áp dụng các dụng cụ cơ giới hóa thông thường, chưa có tính công nghệ cao để phát huy hết ý nghĩa của Chương trình Cánh đồng lớn, đó là việc dồn điền đổi thửa và đưa cơ giới hiện đại như thiết bị san phẳng bằng tia laser vào sản xuất lúa nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất.  

Phạm Thị Minh Loan

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận