Từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ hướng đến cung cấp gỗ xẻ có chất lượng cao. Hiện nay sau 5 năm trồng là thời điểm thích hợp tỉa thưa. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng cho các hộ dân thực hiện mô hình.

 

Chọn cây để bài tỉa là những cây bị che sáng gần như hoàn toàn, phẩm chất kém trong lâm phần; Cây bị sâu bệnh hại, cây cụt ngọn, cây nhiều thân, cây phân cành thấp, cây bị bệnh, rỗng ruột hoặc các khuyết tật khác; Cây có thân hình cong queo, cây phân bố ở nơi có mật độ dày

 

Bài cây trước khi chặt được đánh dấu (x) bằng sơn đỏ ở 2 vị trí, một dấu ở vị trí chiều cao 1,3m trên thân cây, một dấu ở dưới mạch cắt gốc khoảng 1/4 đường kính gốc cây và cùng một hướng trong lô để dễ quan sát

 

Chặt toàn bộ những cây bài chặt đã đánh dấu, phải chặt cây sát gốc, hướng cây đổ không ảnh hưởng tới cây giữ lại

 

Xác định mật độ tỉa thưa: không chặt 3 cây liền nhau và đảm bảo cây giữ lại phân bố đều trong rừng

 

Sau khi tỉa thưa, cần thu gom thân cây, cành cây ra khỏi khu rừng tỉa thưa, thu dọn lá cây rừng, băm thành từng đoạn và rải thành băng

 

Bón phân chăm sóc cây: đối với đất nghèo dinh dưỡng (đất sét, tỷ lệ đá lẫn cao) hoặc trồng rừng thâm canh, bón bổ sung cho mỗi gốc cây từ 0,25 kg phân NPK( tỷ lệ 10:12:5)/ cây hoặc 0,3- 0,5 kg phân NPK ( tỷ lệ 5:10:3)/cây. Cuốc từ 4 đến 5 hố xung quanh và cách gốc cây từ 1 đến 1,5 m; kích thước hố bề mặt hình vuông, rộng từ 20 - 30 cm, sâu từ 15 - 20 cm; chia đều khối lượng phân bón cho từng hố, trộn đều với đất vun vào 1/2 hố, phủ đất lên trên. Thời gian bón phân vào vào đầu mùa mưa thường tháng 9 - tháng 10 hàng năm 

 

Thực hiện: Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia