Mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương đột xuất: “Xây dựng mô hình sản xuất cây trồng trên đất bị bồi lấp sau bão lũ, tạo sinh kế cho người dân”. Sau gần 3 tháng thực hiện, dự án đã đạt được kết quả tốt, mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương thường xuyên bị lũ lụt tại 3 tỉnh miền Trung.

Dự án xây dựng mô hình sản xuất cây trồng trên đất bị bồi lắng sau lũ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thực hiện. Dự án đã lựa chọn giống đậu xanh ĐX208 để thực hiện mô hình trồng đậu xanh thương phẩm, với tổng diện tích 45 ha cho 240 hộ dân chủ chốt thực hiện (mỗi tỉnh 15ha với 80 hộ dân tham gia). Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật trước khi triển khai mô hình, được hỗ trợ 70% giống, vật tư phân bón đúng định mức kỹ thuật của mô hình. Hiện tại, mô hình đã có kết quả, năng suất tại các điểm mô hình đạt từ 1,2-1,6 tấn/ha, thu nhập ước đạt sau khi trừ chi phí đạt từ 22-25 triệu đồng/ha.

Tại tỉnh Quảng Bình, mô hình trồng đậu xanh thương phẩm trên đất bị bồi lắng sau lũ triển khai từ tháng 6/2021 tại 2 xã Văn Hóa (5ha), Châu Hóa (10 ha), huyện Tuyên Hóa đã đạt kết quả khá và được bà con địa phương đánh giá cao. Được sự hỗ trợ tích cực của hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, bà con nông dân đã mạnh dạn cải tạo đất, gieo trồng đậu xanh đảm bảo thời vụ và đúng yêu cầu kỹ thuật. Đến nay mô hình đã kết thúc và cho năng suất đạt khá, từ 1,2-1,4 tấn/ha.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tình, chủ nhiệm dự án cho biết, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh thường xuyên có cán bộ chỉ đạo tích cực bám sát hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Tại tỉnh Quảng Bình các điểm thực hiện mô hình đều đảm bảo yêu cầu đặt ra, với tỷ lệ mọc từ 90-95%, cây sinh trưởng, phát triển khá, thu hoạch cho năng suất cao, xã Văn Hóa đạt 1,4 tấn/ha, xã Châu Hóa 1,2 tấn/ha. Hạch toán kinh tế cho thấy, sản xuất đậu xanh thương phẩm trong vụ hè thu năm 2021 mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Tại xã Văn Hóa, sau khi trừ chi phí sản xuất cho lãi gần 22,4 triệu đồng/ha; xã Châu Hóa cho lãi gần 20 triệu đồng/ha. So với việc bỏ hoang đất do không thể canh tác, trồng đậu xanh thương phẩm đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Hội thảo đầu bờ mô hình tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình

 

Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình, trong khuôn khổ dự án đã tổ chức 03 lớp tập huấn ngoài mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên cây đậu xanh thương phẩm cho 90 hộ nông dân ngoài mô hình tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (30 hộ/lớp/tỉnh); phát sóng 3 chuyên mục phóng sự trên sóng truyền hình tại 3 tỉnh nhằm khuyến cáo nhân rộng mô hình với mục đích hỗ trợ cho bà con các địa phương về kỹ thuật cũng như hướng chuyển đổi phù hợp trong thời gian tới.

Đánh giá về hiệu quả và mục tiêu của dự án, ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình chia sẻ: ‘‘Mô hình trồng đậu xanh thương phẩm trên đất bồi lắng sau lũ không chỉ giúp bà con tạo sinh kế, mà việc canh tác cây đậu xanh về lâu dài còn cải tạo dần kết cấu đất, giúp bà con tiếp tục sản xuất bền vững cho những vụ mùa sắp tới. Thành công của mô hình đã mở ra hướng chuyển đổi đối tượng cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, dễ bán, để làm cơ sở mở rộng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương thường xuyên bị lũ lụt tại các tỉnh miền Trung’’./.

Phòng Chuyển giao kỹ thuật

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình