Vì vậy mà các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi luôn tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân các quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất để hướng đến một nền nồng nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Với mục đích trên, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình nuôi lợn (heo) bằng thảo dược.

Hội đã đầu tư hỗ trợ 72 con heo con (trọng lượng bình quân 15kg/con) cho Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Tân Hòa Phú, ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn thảo dược đậm đặc và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc, cách pha trộn thức ăn và phòng ngừa dịch bệnh trên đàn lợn.

Cán bộ, hội viên nông dân đến tham quan mô hình nuôi lợn bằng thảo dược tại Hợp tác xã Chăn nuôi Tân Hòa Phú

Ông Lê Trung Quang, Giám đốc HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú chia sẻ: "Nuôi lợn bằng thảo dược ít bị dịch bệnh nên không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Để lợn mau lớn, chuồng nuôi phải thoáng, nền chuồng làm bằng gạch men nhằm hạn chế hoạt động của lợn, giúp lợn ít tiêu hao năng lượng và hấp thụ thức ăn thảo dược tốt. Điều quan trọng nữa là cần thực hiện việc phun thuốc khử trùng, diệt trùng ở khu vực xung quanh và giữ nền chuồng luôn sạch sẽ, khô ráo".

          Sau 4 tháng thả nuôi thử nghiệm, trọng lượng lợn đạt từ 80 - 90 kg/con, thịt lợn có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều nạc, ít mỡ, không có dư lượng chất kháng sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Điều đáng ghi nhận  là thịt lợn nuôi bằng thảo dược thơm, ngon hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp nên giá bán cao hơn gần 10.000đồng/kg hơi.

 Ông Đào Minh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Đây là mô hình được thí điểm lần đầu tiên tại Quảng Ngãi với tiêu chí 3 không: không sử dụng thức ăn cám công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh và không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng. Mô hình này sẽ giúp người nông dân tận dụng được các nông sản có sẵn ở địa phương như bột bắp, đậu, sắn (mỳ), lúa để pha trộn với cám thảo dược đậm đặc. Đây là loại cám đã được Nhà nước bảo hộ độc quyền (công nhận Quyền sở hữu trí tuệ) của ông Tạ Hùng Đậu ở Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) nghiên cứu thành công.

Qua đánh giá kết quả mô hình cho thấy, mô hình nuôi lợn bằng thảo dược đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn cho người nông dân và cung cấp cho thị trường sản phẩm  sạch, chất lượng cao, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng. Đồng thời mô hình này cũng góp phần rất lớn vào công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, do thức ăn được pha trộn bằng cám thảo dược nên chất thải của lợn không gây hôi, thối, chuồng trại cũng khô ráo, ít ruồi nhặng,…     Với kết quả đem lại, mô hình này sẽ được các cấp Hội Nông dân tuyên truyền vận động và hướng dẫn hội viên nông dân nhân rộng trong thời gian tới.

          Đồng Xuân