Mô hình sử dụng giống OM 5451, sạ hàng bằng dụng cụ kéo hàng, sạ thưa bằng bằng máy phun động cơ 3 trong 1.

Mô hình được triển khai tại huyện Vũng Liêm với qui mô 12,37 ha do 25 hộ dân tham gia thực hiện (xã Trung Nghĩa: 7,37 ha, 19 hộ; xã Hiếu Thuận: 5 ha, 6 hộ).

Nông dân tham gia mô hình được Viện Lúa ĐBSCL cung cấp 100% giống; Công ty phân bón Phú Mỹ hỗ trợ 100% phân bón; Công ty ADC hỗ trợ 100% thuốc BVTV.

Nông dân sản xuất lúa theo phương pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; quản lý nước tiết kiệm theo phương pháp ngập khô xen kẽ; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc hóa học theo nguyên tắc “4 đúng” khi sâu bệnh đạt ngưỡng cửa phòng trị, ghi chép sổ tay.

Hàng tuần bà con cùng ra đồng với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty ADC theo dõi sâu bệnh, lấy chỉ tiêu theo phát triển của cây lúa ở các giai đoạn khác nhau.

Sau hơn một tháng thực hiện, lúa đang ở giai đoạn đòng, lúa sinh trưởng phát triển tốt và đạt được kết quả khả quan.

Nông dân cùng cán bộ kỹ thuật đếm chồi lúa sau 30 ngày trên ruộng gieo sạ mật độ 100 kg/ha

Một số hộ dân tham gia mô hình chia sẻ như sau:

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trước đây ông gieo sạ với mật độ rất dày, 200kg/ha. Lúc đầu tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ với mức 80 kg/ha bằng phương pháp kéo hàng, ông rất lo không biết lúa phát triển như thế nào, năng suất ra sao. “Hiện nay tôi rất vui và phấn khởi vì sạ thưa giúp giảm lượng giống, cây đẻ nhánh sớm, cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, bón phân ít hơn và lúa làm đòng to. Trước đây tôi sạ dày, áp lực sâu bệnh rất nhiều” – ông Tuấn nói.

Bà Đoàn Thị Sil thưc hiện sạ hàng với mật độ 60 kg/ha. Bà Sil tâm sự: “Lúc đầu tôi không chịu gieo sạ 60 kg/ha vì trước đây tôi toàn sạ dày 200kg/ha. Được cán bộ khuyến nông phân tích những điểm lợi ích của giảm giống trong gieo sạ, tôi tin tưởng và tham gia mô hình. Lúa mới sạ chỉ mọc ít cây, lúa thưa đẻ nhánh sớm, ít sâu bệnh, giảm giống, giảm phân, giảm thuốc. Hiện nay lúa làm đòng, lúa đã nở kín và phát triển tốt. Sau này tôi chọn gieo sạ 60-80 kg/ha”.

Ông Phạm Minh Trí thực hiện mức gieo sạ 140 kg/ha, sạ thưa bằng máy phun động cơ 3 trong 1. Ông chia sẻ: “Tôi có hai thửa ruộng, một thửa tôi tham gia mô hình, sạ 140 kg/ha; một thửa tôi sạ dày 200 kg/ha. Qua đó, tôi nhận thấy sự khác biệt rõ ràng: sạ thưa cây lúa khỏe, đẻ nhánh sớm, ít sâu bệnh. Đặc biệt là trước khi bón phân đón đòng là siết ruộng cạn nước, trà lúa màu vàng chanh 2/3 ruộng làm tôi lo lắng. Tuy nhiên khi bón phân đón đòng cho nước vào trước 2 ngày và bón phân thì hiện nay lúa xanh, lá đứng, cây làm đòng to. Còn thửa ruộng sạ dày, lúa đẻ nhánh ít, cây lúa đẻ chồi ăn hết phân rồi sau cũng chết chồi, tốn phân bón, áp lực sâu bệnh nhiều, hiện lúa làm đòng nhỏ, lá xanh quặt”. Ông bày tỏ thêm sau này ông sẽ chọn phương pháp sạ hàng hay sạ thưa bằng máy phun vì lúa mọc thưa đều hơn là sạ bằng tay. Những vụ lúa sau ông chọn mật độ gieo sạ từ 80 – 100 kg/ha.

Những hộ thực hiên mô hình với mức mật độ sạ 100, 120,140 kg/ha cũng cho biết sẽ chọn sạ mật độ 80-100kg/ha và sạ bằng máy phun lúa giống ở những vụ tiếp theo

Chú Tư Suol dù không được tham gia mô hình cũng cho biết mô hình đã tác động lớn đến nhận thức của bà con trong việc giảm lượng giống gieo sạ, từ đó giúp bà con mạnh dạn thay đổi  tập quán sạ dày sang sạ thưa và cả khâu gieo sạ bằng máy phun. Mô hình áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa.

“Khi thấy những thửa ruộng sạ 80-100 kg/ha tôi đã không tin vào mắt mình. Sạ thưa lúa đẻ nhánh thấy mê, ít sâu bệnh, đón đòng trà lúa vàng, nay lúa đẹp, lúa làm đòng to. Còn sạ dày chỗ mọc nhiều, chỗ mọc ít, lúa đẻ nhánh ít, sâu bệnh nhiều, tốn công chăm sóc. Sau mô hình giảm lượng giống, tôi quyết định sạ thưa 80-100 kg/ha và sạ bằng máy phun giống vì mô hình giảm được chi phí, giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, tăng lợi nhuận” – chú Tư Suol nói.

Mô hình giảm lượng giống gieo sạ, cơ giới hóa khâu gieo sạ tại Vũng Liêm thành công là cơ sở để bà con nông dân quanh vùng học hỏi, nhân rộng ở những mức độ giảm lượng giống khác nhau. Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, Trạm Khuyến nông huyện Vũng Liêm và các đơn vị liên quan cần tuyên truyền hiệu quả của mô hình để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại. bền vững.

NV

Trạm Khuyến nông Vũng Liêm, Vĩnh Long