Cuộc hội thảo được phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Mang Thít và Trạm Khuyến nông tổ chức vào đầu tháng 7/2019 với sự tham dự của hơn 30 nông dân các xã Tân Long, Tân Long Hội, Bình Phước (xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Mô hình trồng đậu nành rau được thực hiện tại ấp Tân Bình, xã Tân Long, huyện Mang Thít với 5 hộ tham gia trên diện tích 3,3 hecta, tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 67 triệu đồng. Đậu nành rau xuống giống trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 2019. Đến nay toàn bộ diện tích đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 9,95 tấn/hecta, sau khi trừ chi phí nông dân lãi trên 30 triệu đồng/hecta.

Trong khi đó, trồng lúa vụ này ở những ruộng lân cận tiền lãi chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/hecta. Điều đáng nói ở đây là dù mới trồng đậu nành rau lần đầu tiên nhưng tất cả các sản phẩm sau khi được Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt tiêu chuẩn do công ty đưa ra, được công ty thưởng 250 đồng/kg vì nông dân thực hiện nghiêm túc việc sử phân thuốc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - cư ngụ ấp Tân Bình, người đã trồng 1 ha đậu nành rau bộc bạch: “Vì trồng đậu lần đầu tiên nhưng nhờ động viên, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên mô hình của tôi đạt năng suất 995 kg/ha, giá bán theo hợp đồng 10.500 đồng/kg, được thưởng 250 đồng/kg, thu nhập là 107 triệu đồng/ha, trừ chi phí 73,7 triệu đồng/ha, tôi còn lãi 33,3 triệu đồng/ha”.

Anh Phạm Ngọc Ẩn cũng cho biết, lúc đầu anh cũng rất lo lắng khi mới nghe cộng tác viên khuyến nông xã vận động trồng đậu nành rau. Sau khi được tác động thêm bởi những nông dân đã từng trồng đậu ở huyện Bình Tân, anh đã  tham gia với diện tích 0,5 ha. Kết quả anh thu hoạch 5,5 tấn, bán được 10,75 triệu đồng/tấn; thu về 59,1 triệu đồng; trừ chi phí 35,4 triệu đồng; anh thu lợi nhuận 23,7 triệu đồng, tương đương 47,4 triệu đồng/ha. 

Thu hoạch đậu nành rau ở Tân Long

Kỹ thuật áp dụng vào trồng đậu nành của anh Ẩn là đã sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm Dual nên cỏ dại bị tiêu diệt gần như triệt để đã giúp cho chi phí làm cỏ gần như không có; thứ hai nữa là anh luôn theo dõi tình hình phát triển của sâu bệnh để phun trị kịp thời, nhất là chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học gốc Abamectin, gốc thuốc này vừa an toàn với sức khỏe cho người phun xịt, vừa an toàn cho môi trường, lại vừa có giá rẻ nên chi phí đầu tư của anh thấp hơn những hộ khác mặc dù tốn công theo dỏi diễn biến của sâu bệnh để quyết định thời điểm phun xịt cho chính xác hơn.

Tóm lại việc trồng đậu nành rau trên đất lúa đã đem lại hiệu quả cao cho nông dân; so với lúa cùng vụ thì đậu nành rau chỉ trong vòng 65 – 70 ngày nhưng lợi nhuận gấp 5 -6 lần so với trồng lúa; đầu ra của sản phẩm thì đã được bao tiêu bởi Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, nông dân trồng đậu nành rau gần như đã biết chắc là mình sẽ thu được lợi nhuận bao nhiêu trước khi trồng, việc còn lại của bà con là đầu tư chăm sóc làm sao để đậu có giá thành thấp nhất, làm sao để đạt năng suất cao nhất nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Phát triển rộng được mô hình này sẽ góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuốc bảo vệ thực vật độc hại sẽ không còn phun xịt bừa bãi trên đồng ruộng và nhất là thân lá đậu được trả lại làm nguồn hữu cơ quí giá bồi bổ cho đất, giúp đất trở nên màu mỡ. Tuy nhiên trồng đậu nành rau, nhất là trong mùa mưa cũng đòi hỏi điều kiện thủy lợi phải tốt, hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo thông thoáng thì việc đưa cây đậu nành xuống ruộng mới đạt hiệu quả cao./.

Văn Thành

Trạm Khuyến nông Mang Thít, Vĩnh Long