Toàn cảnh Hội nghị

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, chè là cây công nghiệp lâu năm được phát triển từ rất sớm, thông qua việc sử dụng lá chè tươi và các sản phẩm như chè vàng, chè xanh, chè đen, chè Olong. Trong thời gian dài chè là cây công nghiệp phát triển khá ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều vùng đồng bào các tỉnh phía Bắc và một số vùng khác trong nước.

Diện tích chè tính đến hết năm 2019 đạt khoảng 123 nghìn ha, tương đương năm 2018. Năng suất chè năm 2019 đạt 94,8 tạ/ha (năng suất chè đạt cao nhất từ trước đến nay), cao hơn so với 2018 là 4,4 tạ/ha. Sản lượng chè trên 1,02 triệu tấn, tăng khoảng 32 nghìn tấn so với năm 2018. Khối lượng xuất khẩu năm 2019 đạt 136 nghìn tấn, giá trị 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018. Tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh thành trồng chè; các tỉnh có diện tích chè lớn là Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha). Việt Nam là nước có năng suất chè khá trên thế giới.

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên

 

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu chè của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 35 nghìn tấn, trị giá 52 triệu USD, giảm 3,7% về lượng và giảm 16,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu chè bình quân trong 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,496,1 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính dẫn tới xuất khẩu chè của Việt Nam giảm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả trên, ngành chè Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế như: Sản xuất chè của Việt Nam về cơ bản vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ; Nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp, các tỉnh chưa có định hướng phát triển cụ thể cho từng giống để phát huy tiềm năng của giống, lợi thế vùng sinh thái và thực hiện các chính sách về cánh đồng lớn của Chính phủ; Cơ cấu sản phẩm chè chưa hợp lý, chè xanh, chè ôlong, chè chất lượng cao chiếm tỷ lệ rất thấp; Sản phẩm chè hàng hóa chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, không có thương hiệu; Sản phẩm mang thương hiệu chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng và mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp...

Tại Hội nghị theo Cục chế biến và Phát triển Thị trường nông sản để phát triển ngành chè bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh chè cần thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến; Đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ chế biến sâu; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến; Duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ…; Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu chè đặc sản, chè hữu cơ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số định hướng phát triển chè an toàn, bền vững đó là:

- Phát triển cây chè đạt hiệu quả cao và bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quy mô về diện tích trồng chè phải phù hợp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế - xã hội với các cây trồng khác trên cùng địa bàn.

- Bố trí cơ cấu các sản phẩm chè xanh - đen một cách hợp lý theo hướng tăng cường các sản phẩm chè xanh chất lượng cao, tiếp tục phát triển các sản phẩm chè khác có giá trị gia tăng cao như chè Ôloong, chè Matcha...

Các giống chè được Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc giới thiệu tại Hội nghị

 

- Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có hạ tầng đồng bộ gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ; Phát triển sản xuất chè phải gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước.

Trong đó nhiệm vụ chủ yếu:

- Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất chè an toàn, bền vững: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phát triển sản xuất chè an toàn, kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè, có hiệu quả và bền vững, rà soát, cập nhật, xây dựng và ban hành quy trình sản xuất chè an toàn để người dân dễ áp dụng;

Tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong chè nguyên liệu và chè thành phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ. Đào tạo đội ngũ cán bộ ở các vùng sản xuất chè tập trung về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn với sản phẩm chè;

- Định hướng phát triển chè bền vững: Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương tiến hành xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn đối với từng tỉnh, xây dựng các dự án khoa học công nghệ, khuyến nông phục vụ cho sản xuất, chế biến chè an toàn. Tăng cường các dự án khuyến nông cho cây chè; đẩy mạnh các Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp để truyền thông, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, giống, quy trình sản xuất tới bà con nông dân.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp thăm gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

 

- Sản xuất chè hữu cơ: Thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ: Chế biến sâu các sản phẩm về chè phải được ưu tiên đầu tư và phát triển. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung.

- Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa chè Việt Nam vào các thị trường cao cấp, khó tính để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh chè.

- Tổ chức sản xuất: Thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn…; Thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến thông qua hình thức hợp tác cung cấp vật tư đầu vào để quản lý vùng nguyên liệu hoặc các địa phương chủ động phân vùng nguyên liệu để tăng cường quản lý chất lượng chè.

 

Một số mục tiêu cụ thể phát triển chè an toàn, bền vững:

- Ổn định diện tích trồng chè của Việt Nam khoảng 130-140 nghìn ha;

- Phấn đấu đến 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến 2030 khoảng 75%.

- Nâng tỷ lệ chè chất lượng cao (chè xanh,chè ooloong…) lên 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.

- Kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật.

- 100 % số cơ sở sản xuất chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

- Giá trị xuất khẩu đạt 300 triệu USD vào năm 2025 và 400 triệu năm 2030.

 

 

Thanh Thúy - Hoa Trà