Tham gia đoàn có ông Nguyễn Duy Ân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh, đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt & BVTV cùng nông dân của Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi nông nghiệp sản xuất rau an toàn Lộc Khê, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.   

Đoàn công tác tham quan thực tế mô hình trồng khoai lang theo hướng VietGAP tại Vĩnh Long    

Tính đến năm 2018, tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng khoai lang đạt 14.344 ha, chiếm 2/3 diện tích trồng khoai lang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ hợp tác sản xuất khoai lang ấp Thành Hậu có diện tích 10 ha, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) từ tháng 01/2018, sản xuất theo hướng luân canh lúa – khoai (chủ yếu các giống khoai lang tím Nhật, khoai lang sữa, khoai lang bí đường…). Mô hình khoai lang đạt chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác cho năng suất trung bình đạt 24 tấn/ha. Với giá bán trung bình 9.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, nông dân trong tổ hợp tác đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.

Xác định khoai lang là cây trồng chủ lực, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất như: chọn lọc giống khoai lang, nghiên cứu công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu khoai lang Bình Tân, xây dựng chuỗi giá trị cây khoai lang… Bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long còn gặp một số khó khăn như cơ giới hóa còn hạn chế, sản xuất còn manh mún, chưa hình thành vùng chuyên canh, ít cơ sở chế biến, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Kết thúc chuyến học tập kinh nghiệm, cán bộ và nông dân tham dự có thêm kinh nghiệm trong việc chọn giống, xây dựng mô hình, chăm sóc và phát triển khoai lang trên địa bàn tỉnh, cải tiến kỹ thuật canh tác để triển khai mô hình đạt hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Duy Thái Sơn

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh