Ba kích tím mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Là một tỉnh nằm trong vùng phân bố tự nhiên của cây ba kích nên việc đưa Ba kích tím vào cơ cấu cây dược liệu của Yên Bái là hoàn toàn phù hợp…

Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc, giai đoạn 2018 – 2020”, mô hình trồng ba kích tím tại thị trấn Nông trường Trần Phú - Huyện Văn Chấn. Bước đầu cho thấy cây ba kích tím sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu địa phương. Các hộ dân tham gia mô hình đều tâm huyết, tích cực, thường xuyên có những trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc ba kích để đạt hiệu quả cao.

Là một hộ dân tham gia mô hình trồng ba kích tím, anh Phí Văn Hiếu chia sẻ, cây ba kích tím hoàn toàn không khó trồng nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng phát triển tốt phải lưu ý làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất cho tới chăm sóc. Anh chia sẻ kinh nghiệm trồng ba kích tím như sau:

- Chất lượng cây giống: Cây giống ba kích tím đủ tiêu chuẩn đem trồng phải khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển đầy đủ và còn nguyên bầu. Chiều cao cây từ 20 - 30 cm, bắt đầu vươn ngọn leo. Để đảm bảo quá trình bốc xếp, vận chuyển cây con không bị vỡ bầu, tổn thương nên chọn cây con đã được đảo bầu, phân loại và giảm tưới trước khi xuất vườn.

- Làm đất, đào hố đúng kích thước 40 x 40 x 40 cm và lấp hố, bón lót phân trước khi trồng. Lượng phân mà gia đình anh Hiếu sử dụng bón lót là 0,5 kg phân chuồng hoai mục và 0,2 kg phân NPK. Vì đây là cây dược liệu lấy củ nên anh tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi làm đất, xử lý thực bì. Để ba kích tím sau trồng đạt tỷ lệ sống cao, gia đình anh còn ưu tiên trồng ba kích tím xen trong vườn cây ăn quả đã có tán. Mật độ trồng ba kích tím xen dưới tán cây ăn quả mà anh áp dụng là cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2,5 m.

- Chăm sóc: Cần đặc biệt quan tâm khâu làm cỏ, xới đất. Trong 2 năm đầu trồng, để cây sinh trưởng phát triển tốt anh tiến hành làm cỏ xới đất 4 lần/năm. Ngoài ra còn bón lót thêm phân NPK5.10.3 với lượng 0,2 kg/cây/năm. Thời gian bón tốt nhất là vào giai đoạn đón mùa sinh trưởng của cây, tức là vào lần chăm sóc tháng 3 - 4 hàng năm. Tương tự như làm cỏ trước khi trồng, những lần làm cỏ chăm sóc này gia đình anh cũng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ mà làm cỏ hoàn toàn bằng tay. Theo anh trong 2 năm đầu khi cây còn bé nên làm cỏ, xới đất thường xuyên vừa tránh cạnh tranh dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi và giúp vệ sinh vườn trồng, hạn chế tình trạng nấm bệnh phát sinh, phát triển. Qua quan sát anh thấy rễ ba kích không ăn sâu, vì vậy nếu không làm cỏ thường xuyên mà để cỏ lên quá cao khi nhổ cỏ có thể ảnh hưởng đến bộ rễ của ba kích, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây…

Anh Phí Văn Hiếu chăm sóc cây ba kích tím năm 2

Hộ bác Trần Văn Tiếp tham gia mô hình trồng cây ba kích tím năm 2019. Ngay từ khi trồng gia đình bác tập trung làm đất, cuốc xới, đào hố và bón lót đầy đủ. Khâu trồng cây bác trực tiếp trồng chứ không thuê người. Bác xác định, cây ba kích tuy có mọc dại ở địa phương nhưng thực tế chưa đưa vào trồng kinh doanh dược liệu rộng rãi. Vì vậy, bác tham gia tập huấn kỹ thuật và trực tiếp trồng để đảm bảo trồng đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông tập huấn. Sau khi trồng bác làm luôn giá đỡ cho cây leo bám. Công việc thăm vườn được gia đình bác tiến hành thường xuyên.

Theo bác Tiếp nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện cây chết sau trồng và tiến hành trồng dặm kịp thời. Ngoài ra bác thấy cây ba kích ít bị sâu bệnh hại nhưng dễ bị nấm. Quá trình thăm vườn bác có thể kiểm tra tình hình sinh trưởng phát triển của cây, buộc lại giá đỡ bị lỏng lẻo tránh tình trạng ngọn ba kích không bám giá đỡ bị gục xuống có thể gây nấm, thối ngọn.

Với những chia sẻ của các hộ tham gia mô hình trồng ba kích tím tại Thị trấn Nông trường Trần Phú, hy vọng bà con có ý định trồng ba kích tím có thêm tự tin, mạnh dạn đưa loài cây này vào trồng kinh doanh tận dụng nguồn đất đai đồi rừng, vườn nhà của hộ gia đình, đồng thời tăng thêm thu nhập góp phần nâng cao thu nhập và kinh tế cho hộ gia đình.

Phạm Thị Hảo

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái