Cụ thể như sau:

- Đối với vùng trồng rau chuyên canh: Thời vụ gieo trồng có thể bắt đầu từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Bố trí trồng luân canh, xen canh, rải vụ các loại rau màu, tăng cường đầu tư chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế.

- Đối với diện tích ruộng 1 vụ vùng cao: Tổ chức cây trồng vụ Đông sớm ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 sau khi thu hoạch lúa, hoặc gieo trồng muộn vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau, để có sản phẩm thu hoạch đúng dịp trước tết hoặc vào thời điểm tháng 2-3 năm sau, lúc này tiêu thụ rau nhiều và thời điểm giáp vụ rau khan hiếm nên được giá. Bố trí trồng các loại cây ưa lạnh dài ngày. Riêng đối với cây ngô lấy hạt, cây tỏi kết thúc gieo trồng trước ngày 20/9; khoai tây, khoai lang kết thúc trước 15/10.

Trung tâm KN và DVNN Lào Cai tham quan mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sơn La

- Đối với diện tích đất 2 vụ lúa vùng thấp: Tiến hành thu hoạch lúa nhanh gọn, giải phóng đất và gieo trồng các loại cây trồng ngắn ngày. Thời vụ gieo trồng đối với khoai tây, khoai lang, cà chua, cà rốt, bí đỏ, bí xanh, hoa cúc, hoa lay ơn, hoa lily,… kết thúc trước 15/11; cây ngô Đông trồng bầu kết thúc trước ngày 20/9; các loại rau ăn lá gieo rải vụ theo lứa và ngừng gieo trồng lứa cuối trước khi làm đất cấy lúa vụ Xuân ít nhất 01 tháng.

Lưu ý nên bố trí trồng rải vụ, gối vụ, chọn những cây trồng có giá trị, dễ tiêu thụ, không nên trồng một loại cây trồng, nếu không chắc chắn đầu ra cho thị trường sản phẩm. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn 3-4 sản phẩm cây trồng có tiềm năng để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, chỉ đạo thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới: sử dụng giống mới, hệ thống nhà lưới, nhà kính, các phương pháp canh tác hữu cơ, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP,… sơ chế, chế biến sản phẩm.

Phan Yến

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Lào Cai